Phí đường bộ: Thu ra sao, quản thế nào?

Từ ngày 1/1/2013, hơn 36 triệu xe máy, ô tô các loại sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ. Đã gần kề ngày thực thi, nhưng xung quanh vấn đề này hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhất là về cách thức thu nộp, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn phí này để vừa đảm bảo minh bạch, vừa khuyến khích người dân không “né” đóng phí.


Lo ngại phát sinh chi phí


Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 197/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP (ngày 13/3/2012) của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ đối với chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Theo đó, đối với ô tô mức phí thấp nhất là 130.000 đồng/tháng, áp dụng cho xe dưới 9 chỗ; mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng dành cho xe tải, xe chuyên dùng trên 27 tấn. Chủ xe ô tô đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm. Sau khi nộp phí, cơ quan này dán tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp.


Với trường hợp chủ phương tiện đến đăng kiểm sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian theo chu kỳ đăng kiểm quy định, cơ quan đăng kiểm sẽ kiểm tra xe và tính tiền phí sử dụng đường bộ nối tiếp từ thời điểm cuối của khoảng thời gian đã nộp phí sử dụng đường bộ lần trước. Trường hợp thời gian tính phí không tròn tháng thì số phí phải nộp sẽ tính bằng số ngày lẻ chia 30 ngày nhân với mức phí của 1 tháng...




Ô tô, xe máy sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ kể từ ngày 1/1/2013. Ảnh: Lê Phú

Với xe máy, mức phí đường bộ là 50.000 đồng/năm được áp dụng với xe máy có dung tích dưới 100 phân khối; xe trên 100 phân khối được áp khung phí từ 100.000 - 150.000 đồng. UBND tỉnh, thành phố sẽ quyết định mức thu phù hợp với địa phương mình.


Chủ xe máy nộp phí thông qua UBND xã, phường, thị trấn. Đối với xe máy lưu hành trước 1/1/2013 thì sẽ thực hiện kê khai từ thời điểm đó, còn xe lưu hành sau ngày này, chủ phương tiện phải kê khai nộp phí theo chu kỳ 6 tháng.


Qua tìm hiểu ở các cấp cơ sở hiện nay, việc thu phí với xe gắn máy triển khai trên thực tế không đơn giản. Việc thu loại phí này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu người dân chưa đồng thuận và không tự giác đóng phí, đặc biệt là tại những địa bàn đông dân cư. Bên cạnh đó, cấp xã, phường, thị trấn cũng phải triển khai thu nhiều khoản thuế, phí phi nông nghiệp, thuế khoán của hộ kinh doanh... trong khi, mỗi xã, phường, thị trấn thường chỉ có từ 2 - 3 cán bộ làm công tác thuế, nếu không chuẩn bị về nhân sự thì việc thu đúng, đủ khoản phí này sẽ khó suôn sẻ.


Theo Thông tư 197/BTC, khi thu phí đối với xe gắn máy, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai cho người nộp. Cấp xã, phường, thị trấn được để lại tối đa không quá 10 - 20% số phí thu được để tổ chức thu. Số còn lại, định kỳ hàng tuần, cơ quan thu phải nộp vào tài khoản quỹ bảo trì địa phương mở tại Kho bạc Nhà nước...


Do đó, theo Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, việc hình thành các đơn vị quản lý quỹ từ Trung ương xuống địa phương sẽ tăng thêm những khoản phụ phí cho các khâu hành chính, tiền lương, thù lao… và nếu quản lý không chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến thất thoát tiền của người dân đóng góp.


Mặc dù, thời điểm thu đã được lùi 6 tháng (từ 1/6/2012) để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp vận tải đang như “ngồi trên đống lửa” về khoản phí nộp "một cục" quá lớn. Vì nhiều doanh nghiệp vận tải hiện có vài chục đến hàng trăm xe nên số tiền sẽ phải nộp lên đến hàng trăm triệu đồng, trong khi các doanh nghiệp này hiện không có nhiều vốn lưu động, thường phải vay ngân hàng.


Không ít doanh nghiệp than vãn, việc đóng góp để bảo trì đường là cần thiết và thể hiện trách nhiệm của người sử dụng đường, song thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải đang cực kỳ khó khăn vì giá xăng dầu tăng cao, lương tăng, giá sinh hoạt cũng tăng cao, nếu cộng thêm phí bảo trì đường bộ, bình quân mỗi tấn hàng đều sẽ phải "cõng" thêm phụ phí thì chắc chắn cước vận tải sẽ phải tăng theo...

 

Minh bạch thu, chi


Theo các chuyên gia giao thông, quan trọng nhất hiện nay là phải đảm bảo tính minh bạch việc thu khoản phí này, vì nếu người dân không đồng thuận, quy định này khó được thực hiện. Lãnh đạo hiệp hội vận tải các địa phương và các hội ngành nghề liên quan đều thừa nhận, phí sử dụng đường nộp cho Quỹ Bảo trì đường bộ đáng lẽ đã phải thu từ cách đây 3 - 4 năm, nhưng do chậm thực hiện, đến thời điểm này kinh tế lại suy thoái, nên việc triển khai sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.


Phí bảo trì đường bộ là bảo vệ quyền lợi của người dân và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Bởi đường tốt thì lái xe an toàn, xe đỡ hư hỏng, đỡ tốn xăng dầu… Nếu không thu phí bảo trì đường bộ, không có tiền để duy tu, sửa chữa thường xuyên cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải.


Bên cạnh đó, cả nước hiện có 110 trạm đăng kiểm cả của Nhà nước và xã hội hóa của tư nhân. Việc thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô qua hệ thống đăng kiểm đang khiến rất nhiều người dân và doanh nghiệp lo ngại về sự không công bằng, không minh bạch, vì nhiều trường hợp xe không đủ tiêu chuẩn, hết hạn lưu hành vẫn được lưu hành. Do đó, hệ thống đăng kiểm hiện nay cần thiết phải được siết chặt.


Việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đã được Chính phủ quyết định lùi thời hạn áp dụng thêm 6 tháng so với dự kiến. Theo Bộ Tài chính, trước Thông tư 197/BTC, bộ đã nhận được ý kiến của 58/80 cơ quan thống nhất với sự cần thiết ban hành thông tư này, tuy nhiên, một số ý kiến không đồng tình về mức phí đối với xe rơmoóc sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải...


Do đó, cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh giảm mức thu phí đối với xe rơmoóc, sơmi rơmoóc xuống bằng 60% mức thu, so với mức 70% trước đây; đồng thời không thu phí xe máy điện, miễn thu phí xe gắn máy của các hộ nghèo, các loại xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng, xe phục vụ an ninh.


Theo Bộ GTVT, khi triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện sẽ bãi bỏ thu phí qua các trạm thu phí nhà nước; đối với các trạm chuyển quyền thu phí, trạm thu phí BOT sẽ giữ thu đến khi hoàn vốn đầu tư sẽ xóa bỏ. Theo thống kê, với trên 36 triệu phương tiện phải nộp phí, mỗi năm số tiền thu được dự kiến khoảng 6.800 tỷ đồng; tiền thu được từ 50% số xe gắn máy đã đăng ký khoảng 2.400 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn thu đáng kể cho Quỹ Bảo trì đường bộ phục vụ trực tiếp công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đường sá thường xuyên.


Theo Nghị định 18/2012/CP, nguyên tắc phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ là: Phí sử dụng đường bộ thu được đối với xe gắn máy tại địa phương nào bổ sung vào quỹ của địa phương đó. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ô tô phân chia cho quỹ trung ương 65%, cho các quỹ địa phương 35%. Trên cơ sở số kinh phí phân chia cho các quỹ địa phương nêu trên, quỹ trung ương phân chia kinh phí cho từng quỹ địa phương căn cứ vào chiều dài đường bộ của địa phương, số xe ô tô quy chuẩn đăng ký tại địa phương và hệ số khó khăn về nguồn thu của từng địa phương.


Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ phân chia cho quỹ trung ương, quỹ địa phương phù hợp với từng thời kỳ theo đề nghị của Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Quỹ trung ương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống quốc lộ. Quỹ địa phương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ địa phương, do địa phương chịu trách nhiệm bảo trì, quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.


Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên: Muốn đi đường tốt thì người dân phải chung tay

Muốn đi đường tốt thì người dân phải chung tay, Nhà nước không thể bao cấp mãi được. Việc thu phí chắc chắn sẽ gặp khó khăn ban đầu do phát sinh chi phí cho người dân, nhưng khi chất lượng đường sá được nâng lên thì doanh nghiệp vận tải sẽ được hưởng nhiều lợi ích, người dân sẽ ủng hộ. Do vậy, cơ quan quản lý quỹ phải đặc biệt quan tâm tới việc sử dụng hiệu quả đồng tiền người dân đóng góp.

 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: Cần làm rõ phạm vi sử dụng nguồn quỹ

 

Cần làm rõ phạm vi sử dụng của quỹ chỉ chi trả cho các chi phí quản lý và bảo trì đường bộ, không chi trả cho những nội dung như xây dựng các nhà hạt quản lý hay các hạng mục xây dựng cơ bản khác; không sử dụng để giải quyết lao động dôi dư ở các trạm thu phí khi giải tán trạm thu phí và những công tác tương tự... Bên cạnh đó, để quỹ hoạt động hiệu quả, cần có Ban quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ ở Trung ương và địa phương, trong đó có sự tham gia của đại diện các bên liên quan như Hiệp hội Vận tải ô tô, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...

 

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Thị trường, giá cả (Bộ Tài chính), Tiến sĩ Ngô Trí Long: Thu phí với xe máy cần trông chờ ý thức người dân

 

Việc thu phí sử dụng đường bộ là cần thiết và cấp bách, trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn, rất cần sự chia sẻ của đông đảo người dân. Mặc dù nhiều người dân lo thất thoát, mất công bằng sẽ xảy ra trong việc thực hiện quy định thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, thông qua cấp xã, phường, thị trấn, nhưng qua nghiên cứu, đến nay chưa có phương án nào hợp lý hơn. Thu phí qua đầu phương tiện với ô tô thì đơn giản vì đúng thời hạn thì phương tiện phải đăng kiểm mới được lưu hành, quá trình kiểm soát chặt chẽ, không sợ thất thu. Nhưng với xe gắn máy, việc thu phí phụ thuộc vào sự tự giác của người dân và của người có trách nhiệm thu.

 

Bác Nguyễn Hưng ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội): Khó thu phí bảo trì đường bộ xe máy

 

Cả nước có đến 35 triệu xe máy, nếu giao cho các địa phương đứng ra thu, dễ nảy sinh tiêu cực. Số tiền phí thu đối với xe máy theo quy định nếu nhân lên với lượng xe của từng tỉnh, thành phố là một số tiền cực lớn, trong khi đó không thấy quy định nói rõ về cách thức thu phí, nếu giao cho địa phương. Nhiều gia đình hiện có tới 3 - 4 chiếc xe máy, có xe đi ít, có xe đi nhiều mà bắt đóng hết thì rất khó. Việc thu phí cho Quỹ Bảo trì đường bộ là lối thoát cho tình trạng thiếu kinh phí bảo trì đường bộ triền miên, khiến đường sá xuống cấp nghiêm trọng, song các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN