Tượng đài Chiến thắng Núi Thành. Ảnh: baochinhphu.vn |
Tuy nhiên, hiện nay xung quanh khu tượng đài luôn ở trong tình trạng bụi mù do hoạt động khai thác đá ở gần vị trí chân tượng đài. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều hộ dân sống xung quanh mà còn gây mất mỹ quan, để lại ấn tượng không tốt cho những đoàn khách đến thăm quan, thắp hương tưởng niệm tại tượng đài.
Dọc theo con đường dẫn vào khu Tượng đài Chiến thắng Núi Thành có 60 hộ dân của tổ 15, thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa sinh sống. Theo người dân ở đây, quá trình xay đá ngay sát khu tượng đài đã khiến môi trường thường xuyên bị ô nhiễm vì bụi đá phát tán. Bà Lê Thị Hiên, người dân tổ 15 cho biết: Bụi đá theo gió bay phủ những lớp dày lên cây cối, bay vào trong nhà dân. Người dân nhiều lần kiến nghị với nhà máy để có giải pháp khắc phục nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Mỏ đá ở xã Tam Nghĩa đã được khai thác từ năm 1975 và hiện do Công ty cổ phần đá Chu Lai quản lý. Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định gia hạn 19 năm cho Công ty cổ phần đá Chu Lai khai thác đá tại đây làm vật liệu xây dựng thông thường với diện tích hơn 12,3 ha, trữ lượng 958.100 m3, công suất khai thác là 50.000m3/ năm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, kế toán trưởng Công ty cổ phần đá Chu Lai thừa nhận việc khai thác đá của công ty thời gian qua đã ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân sinh sống xung quanh. Năm 2015, phía công ty đã hỗ trợ cho 200 hộ dân ở 2 thôn Định Phước và Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa do ô nhiễm bụi và nhà ở có vết nứt từ quá trình nổ mìn khai thác đá. Hiện nay, để hạn chế bụi từ quá trình sản xuất, các xe chở đá ra khỏi mỏ đều được tưới nước và công ty cũng cho xe tưới nước di động đoạn đường dẫn vào khu tượng đài.
Để đảm bảo việc nổ mìn khai thác đá không ảnh hưởng tới công trình Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, từ năm 2015 đến nay Công ty cổ phần đá Chu Lai đã giảm số lượng thuốc nổ sử dụng mỗi một lần phá đá từ 3.720 kg xuống dưới 1.000 kg.
Tượng đài Chiến thắng Núi Thành là nơi ghi dấu sự kiện ngày 25/5/ 1965, Tiểu đoàn 70 thuộc Tỉnh đội Quảng Nam đã tấn công đánh tan đại đội lính Mỹ đóng tại đây, mở đầu cho phong trào "Tìm Mỹ mà đánh" trên toàn miền Nam. Với chiến công này, trong Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam năm 1968 do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ Tư lệnh quân giải phóng Miền chủ trì, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng được tặng lá cờ thêu 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.