Nuôi cá đặc sản trên sông, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Những năm qua, việc đẩy mạnh phát triển thủy sản nói chung và nuôi cá lồng trên sông, hồ nói riêng, đã mở hướng đi mới và mang lại thu nhập cao cho người dân.

Chú thích ảnh
Người dân tham quan Hợp tác xã chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Mở hướng đi mới và mang lại thu nhập cao cho người dân

Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 2.255 lồng cá, trong đó, trên hồ thủy điện 1.700 lồng, trên sông 555 lồng, với tổng sản lượng cá thu hoạch khoảng 2.000 tấn cá/năm. Toàn tỉnh có 10 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP, 15 sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP; có 2 cơ sở nuôi cá lồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch.

Đại diện Trung Tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, cho biết, những năm qua, việc đẩy mạnh phát triển thủy sản nói chung và nuôi cá lồng trên sông, hồ nói riêng, đã mở hướng đi mới và mang lại thu nhập cao cho người dân, nên được các ngành chức năng tạo điều kiện phát triển, đặc biệt là các loại cá có giá trị kinh tế cao, nhằm đẩy mạnh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ở Tuyên Quang.

Cũng theo đại diện này, trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá trên sông, hồ trên địa bàn tỉnh nói riêng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, theo hướng thâm canh, bán thâm canh, tập trung vào một số giống cá đặc sản và cá có giá trị kinh tế cao, đồng thời, hướng dẫn cho các hộ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất theo chuỗi liên kết, giúp các hộ trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, xây dựng mô hình và phối hợp với các đơn vị thực hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng tiêu chuẩn mang lại giá trị kinh tế cao.

Còn lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhằm phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô, sông Gâm theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035. 

Trong đó, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung phát triển nuôi “ngũ quý” cá đặc sản (cá chiên, cá bỗng, cá rầm xanh, cá anh vũ và cá lăng). Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách cho vay vốn phát triển cá đặc sản để khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô, phát triển mạnh số lượng lồng nuôi cá đặc sản trên sông, hồ thủy điện.

Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang thực hiện dự án nghiên cứu, lưu giữ, xây dựng khu vực bảo tồn và phát triển các giống cá quý hiếm của địa phương; thực hiện đề tài nghiên cứu và ứng dụng sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm các loại cá đặc sản để bảo tồn quỹ gen quý hiếm của quốc gia; tiếp tục đầu tư xây dựng Trại sản xuất giống thủy sản tại huyện Na Hang...

Song song với đó, tỉnh nâng cao chất lượng con giống bảo đảm sạch bệnh, chất lượng tốt, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Khuyến khích đầu tư sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản đạt chất lượng; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có. Tập trung xây dựng thương hiệu cho các loại cá đặc sản; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại...

Hiệu quả kinh tế cao

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, hiện trên hồ Thác Bà có 2.057 lồng nuôi cá và trên 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá với tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8.000 tấn/năm. Đáng chú ý, sản lượng cá da trơn chất lượng cao nuôi bằng lồng tăng nhanh trong năm 2021 như: cá lăng chấm ước đạt 1.500 tấn, trên 200 tấn cá ngạnh, hơn 300 tấn cá nheo. 

Nhận biết được tiềm năng và hiệu quả kinh tế đối với loại cá đặc sản, nhiều hộ nuôi thủy sản trên lòng hồ đã chuyển đổi sang nuôi các loại cá này. Đặc biệt là loại cá ngạnh và cá nheo có nguồn giống bản địa, ít bị nhiễm bệnh, cho chất lượng thịt thơm ngon, thường được khách hàng đặt mua trước nên giá bán cao gấp từ 5-10 lần so với giá cá thông thường. 

Chú thích ảnh
 Cá hồ Thác Bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái” từ năm 2019. 

Ông Đặng Văn Vấn là một trong 12 hộ nuôi cá lồng tại thôn Đồng Tý, xã Phúc An, huyện Yên Bình cho biết, từ tháng 7/2019, gia đình đã chuyển toàn bộ 13 lồng nuôi cá trắm sang nuôi cá ngạnh và lăng chấm và áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP với nguồn thức ăn chủ yếu là cá tạp và bột ngô, sắn. Sản lượng đạt trên 10 tấn cá mỗi vụ, sau khi trừ toàn bộ chi phí, ông thu về từ 400 - 500 triệu đồng mỗi năm.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế đối với nghề nuôi cá đặc sản trên lòng hồ Thác Bà, đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình nhận định, xuất phát từ lợi thế môi trường nuôi thả gần như tự nhiên và tận dụng nguồn thức ăn sạch, giá rẻ tại địa phương, nghề nuôi cá đặc sản hồ Thác Bà đang phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao; mở ra hướng đi mới và nâng tầm thương hiệu sản phẩm cá hồ Thác Bà.

Sản phẩm cá đặc sản hồ Thác Bà nổi tiếng với và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái” từ năm 2019. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ổn định nghề nuôi cá đặc sản trên hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị. Trước mắt, tỉnh đã thành lập Hiệp hội Nghề cá hồ Thác Bà để làm cơ quan kết nối cung cầu, liên kết giữa nuôi trồng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Những năm trở lại đây, hình thức phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá nuôi đã hình thành và bước đầu đem lại hiệu quả. Tiêu biểu là Hợp tác xã Thủy sản Hoàng Kim được thành lập năm 2017 với 7 thành viên là các hộ ngư dân tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình. Đến nay, hợp tác xã có 300 lồng nuôi, dự kiến sản lượng đạt 200 tấn trong năm 2021 với doanh thu khoảng 8 tỷ đồng/năm và lợi nhuận đạt gần 2 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, hồ Thác Bà có trên 3.000 lồng cá nuôi, đạt sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm, tỉnh Yên Bái ban hành chính sách hỗ trợ các cá nhân nuôi cá lồng có thể tích trên 100 m3/lồng với định mức kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng và 5 triệu đồng/lồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi cá lồng với quy mô từ 30 lồng trở lên. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 20.000 đồng/m2 lưới để quây lưới nuôi cá ở các eo ngách trên hồ Thác Bà.

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản phục vụ cho xuất khẩu, theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm “Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái”, gắn nuôi trồng với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân nuôi trồng thủy sản tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất VietGAP và bảo vệ môi trường sinh thái.

PV
Hồ thủy điện lớn Trị An cạn nước, ngư dân nuôi cá bè gặp khó
Hồ thủy điện lớn Trị An cạn nước, ngư dân nuôi cá bè gặp khó

Hồ thủy điện Trị An rộng 32.000 ha, là nơi hàng nghìn hộ dân mưu sinh bằng nghề nuôi cá bè và đánh bắt thủy sản. Thời gian qua, mực nước của hồ Trị An giảm sâu nhất trong khoảng 13 năm, tiệm cận mực nước chết, điều này đã gây khó khăn rất lớn cho hoạt động nuôi và đánh bắt thủy sản trên hồ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN