Hàng loạt quy định có lợi cho người lao động
Sáng 20/11, với 90,06% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 220 điều, quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.
Về nghỉ lễ, tết, Bộ luật quy định: Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết gồm: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Bộ luật quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Đối với vấn đề thời giờ làm việc bình thường, Bộ luật quy định: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
Bộ luật cũng quy định: Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: Phải được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm…
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2020
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Từ ngày 1/1/2020, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng so với mức áp dụng năm 2019. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I tăng từ 4.180.000 đồng/tháng lên 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II tăng từ 3.710.000 đồng/tháng lên 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.430.000 đồng/tháng; vùng IV tăng từ 2.920.000 đồng/tháng lên 3.070.000 đồng/tháng.
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Nghị định nêu rõ mức lương tối thiểu vùng quy định trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Liên thông dữ liệu khai sinh, bảo hiểm y tế
Ngày 21/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Tư pháp, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp đã khai trương cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành BHXH và kết nối cơ sở dữ liệu này với hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi.
Cụ thể, theo thống kê, CSDL quốc gia về bảo hiểm gồm có: dữ liệu nhân khẩu có hiệu lực đã được cấp mã số trong hệ thống CSDL hộ gia đình tham gia BHYT là hơn 97,4 triệu nhân khẩu; CSDL người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp do BHXH Việt Nam đang quản lý biến động của 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 488.000 người tham gia BHXH tự nguyện, 13,11 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 85,24 triệu người tham gia BHYT.
Sau 1 tháng thực hiện thí điểm liên thông dữ liệu tại 13 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Hải Dương, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Nam..., đã có 15.000 trường hợp trẻ em được liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT. Dự kiến, đến hết năm 2019, sẽ liên thông dịch vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi ở tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước.
Việc kết nối hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (phạm vi đến cấp phường/xã) với cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH (phạm vi đến cấp quận/huyện) được đánh giá là một bước tiến lớn trong công tác kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương so với năm 2018. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trên cả nước hàng ngày có khoảng 8.000 hồ sơ khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi phát sinh mới có thể chuyển sang BHXH để cấp thẻ BHYT, chiếm hơn 1% số giao dịch hành chính công giữa công dân với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất
Ngày 19/11, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, Vietcombank và VietinBank đều đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động giảm 0,2%/năm với một số kỳ hạn, đưa lãi suất tại các ngân hàng này xuống còn 4,3 - 4,8%/năm với các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng và 5,3%/năm với các kỳ hạn 6 và 9 tháng, mức lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này là 6,8%/năm. Tại Agribank, biểu lãi suất huy động chưa được điều chỉnh, các kì hạn ngắn dưới 6 tháng hiện cao hơn Vietcombank và VietinBank 0,2%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất cao nhất vẫn chỉ ở mức 6,8%/năm với các kỳ hạn dài. Riêng BIDV đang niêm yết mức lãi suất huy động cao nhất tính đến thời điểm hiện tại là 7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn hạn 24 tháng và 36 tháng.
Song song với việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng đã phần nào "hạ nhiệt". Vietcombank là ngân hàng đầu tiên phát đi thông báo giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019. Đây là đợt giảm lãi suất "lớn nhất từ trước đến nay" bởi áp dụng cho tất cả doanh nghiệp thay vì chỉ trong lĩnh vực ưu tiên.
Ngay sau thông báo của Vietcombank, MSB cũng công bố giảm mạnh tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi, nông nghiệp…
Trước diễn biến của thị trường tiền tệ vừa qua, các chuyên gia cho rằng đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã đạt các tiêu chuẩn đề ra về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, quy định an toàn vốn, đáp ứng chuẩn Basel II, nên áp lực huy động vốn đã giảm bớt, kéo theo việc giảm lãi suất huy động để tiết giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện giữ ổn định và có thể giảm tiếp lãi suất cho vay.
Tạm giữ hình sự nữ lái xe gây tai nạn nghiêm trọng
Tối ngày 21/11, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với bà Vũ Thị Hồng Thái, sinh năm 1972, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy để xử lý về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Bà Vũ Thị Hồng Thái là người điều khiển xe Mercedes GLC 250 BKS 30G - 007.85 đâm hàng loạt phương tiện, khiến các xe bốc cháy và 1 người tử vong vào ngày 20/11). Trong chiều 21/11, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính nữ nạn nhân đi xe đạp tử vong do bị chiếc xe Mercedes đâm trúng, kéo lê trên đường là chị Đỗ Thị M.Q (sinh năm 1992, quê Hải Dương).