Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận 7 trường hợp là nạn nhân của vụ cháy. Trong số này, một trường hợp đã tử vong, một trường hợp nhảy từ tầng cao bị đa chấn thương đã được phẫu thuật ngay. Ba trường hợp bị thương nhẹ đã được ra viện. Như vậy, hiện cơ sở này đang điều trị, theo dõi hai trường hợp.
Thay mặt Bộ Y tế kiểm tra công tác điều trị, cấp cứu và chăm sóc người bệnh là nạn nhân của vụ cháy đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, vào sáng 13/9, Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, các y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y đã nhanh chóng xử trí cấp cứu kịp thời xuyên đêm cho các nạn nhân vụ cháy.
"Khi chúng tôi đến bệnh viện, các bác sĩ đang nỗ lực phẫu thuật cho một bệnh nhân đa chấn thương và có một bệnh nhân đang thở oxy ở khu vực hồi sức, hiện vẫn tiếp xúc được. Chúng tôi đề nghị Bệnh viện tiếp tục theo dõi đánh giá sát sao bệnh nhân ở khu vực hồi sức, đồng thời đặc biệt quan tâm bệnh nhân đa chấn thương đang phẫu thuật", Tiến sĩ Vương Ánh Dương chia sẻ.
Đối với bệnh nhân đang thở ô xy ở khu vực hồi sức, bác sĩ Vũ Việt Hà, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực cho biết, bệnh nhân hiện tỉnh, thở oxy liều thấp, có thể được ra viện trong một vài ngày tới. Bệnh nhân đã được làm xét nghiệm khí CO trong máu. Nếu khí CO tăng, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân đến Trung tâm cao áp để thở oxy.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ngay trong đêm, nhận được thông tin tại hiện trường, khoảng hơn 1 giờ ngày 13/9, bệnh viện đã cử ngay ê kíp trực cấp cứu cùng xe cứu thương đến để hỗ trợ, vận chuyển cấp cứu về viện điều trị.
4 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có hai trường hợp là bố con và hai trường hợp là anh em sinh năm 1984 -1986. Các nạn nhân được đưa đến viện trong tình trạng hoảng loạn, bị thương nhẹ bên ngoài… Hai trường hợp là bố con được điều trị tại Cấp cứu ngoại, có khó thở nhẹ, vết thương ở tay, bác sĩ đang xử lý khâu. Hai trường hợp còn lại có khó thở do hít các khí trong vụ cháy, có loạn mạch, được thở oxy được chuyển vào Khoa Tim mạch.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, đã có 5 nạn nhân được chuyển tới Bệnh viện, trong đó có một ca tử vong trước khi đến viện. Trong 4 ca còn lại, ba ca được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trong đó một ca bị xẹp đốt sống do ngã cao; hai ca còn lại là hai mẹ con bị ngạt khói.
Bệnh viện Bạch Mai, đến nay đã tiếp nhận 26 nạn nhân, trong đó 7 là bệnh nhi, còn lại là người lớn; có hai nạn nhân đã tử vong ngoại viện, một trường hợp chưa xác định danh tính. Người cao tuổi nhất 81 tuổi, bé nhất 8 tháng tuổi. Ba bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Hầu hết các bệnh nhân là ngộ độc khí CO. Nhiều bệnh nhân nhảy khỏi đám cháy nên bị chấn thương và đa chấn thương ở các mức độ khác nhau hiện đang cấp cứu tại Trung tâm Nhi khoa, Trung tâm Cấp cứu A9, Trung tâm Hồi sức tích cực... Các bệnh nhân chủ yếu ngạt khói, bị chấn thương, nhưng không có trường hợp bị bỏng.
Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 7 bệnh nhi, nhỏ nhất là 8 tháng, lớn nhất là 10 tuổi. Về mặt lâm sàng, các bệnh nhân ổn định, đang thở ôxi dòng cao. Tuy nhiên, tinh thần các bé không được ổn định, hoảng sợ. Trong số 7 cháu, có một cháu 2 tuổi ngoài bị ngạt khí còn có tổn thương phần mềm tại chân. Các bác sĩ đang phối hợp chuyên khoa để theo dõi, điều trị cho các cháu.
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, 7 nạn nhân đang được điều trị, trong đó có một ca nặng chẩn đoán ngộ độc CO2, tổn thương đường hô hấp nghi ngờ tổn thương phổi. Sau cấp cứu tình trạng ổn định hơn, tuy nhiên tiên lượng nặng. 6 ca còn lại đang được điều trị tích cực, các xét nghiệm ngộ độc CO không quá cao, tiếp tục theo dõi tại viện.
Số bệnh nhân nặng còn lại đang được cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9 trong tình trạng đa chấn thương, hôn mê, ngạt khí, tiếp tục được các bác sĩ theo dõi.
Cách xử trí đối với nạn nhân nhiễm độc CO
Hầu hết các nạn nhân của vụ cháy chung cư đưa vào Bệnh viện Bạch Mai bị ngộ độc khí CO. Nhiều người nhảy khỏi đám cháy nên bị chấn thương và đa chấn thương...
Theo các chuyên gia, Monoxyt cacbon (CO) là một loại khí không gây kích thích, không vị, không mùi, được sinh ra do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất có thành phần carbon như: than, dầu diezen và các chất đốt khác… Nguồn CO trong môi trường còn là khói thuốc lá, khói thải của xe hơi, đun nấu, sưởi bằng than. Một số hóa chất như chlorur mythylen được chuyển thành CO trong cơ thể.
CO xâm nhập cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp. Các tổn thương đầu tiên của nhiễm độc CO xảy ra với hệ thần kinh trung ương (vỏ não, nhân dưới vỏ não, đồi thị) kéo theo tổn thương cả thần kinh ngoại biên. Bên cạnh sự phát triển các tổn thương thần kinh, CO còn gây rối loạn tuần hoàn mạch, làm tăng tính thấm của mạch máu, nhất là các mao mạch, gây xuất huyết ở hàng loạt các cơ quan: não, phổi, đường tiêu hóa.
Để xử trí đối với nạn nhân nhiễm độc CO, cần đưa nạn nhân ra khỏi vùng tiếp xúc cho thở oxy nhiều lần trong ngày (3-4 lần/ngày, mỗi lần 10-20 phút).
Dùng oxy cao áp để điều trị nhiễm độc CO, cần phải để nạn nhân thở oxy 100% trong thời gian chuyển tới phòng tăng áp.
Nạn nhân nhiễm độc CO phải được theo dõi chặt chẽ, đề phòng phù não nặng có thể xảy ra trong vài giờ. Tổn thương nhẹ hệ thần kinh, hệ tim mạch và thai có thể xảy ra nếu có tình trạng giảm oxy tế bào.