Đường ngang dân sinh tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước chỉ có biển báo rất đơn giản. |
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận, hiện toàn tỉnh có 19 vị trí đường ngang hợp pháp và 63 lối đi dân sinh giao cắt với đường sắt không đảm bảo an toàn giao thông, cần được đầu tư xây dựng gờ gồ giảm tốc, bố trí hệ thống biển báo hiệu đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay để có nguồn vốn thực hiện rất khó, bởi ngân sách địa phương còn khó khăn, trong khi vốn thực hiện công tác bảo trì đường bộ lại rất hạn hẹp. Do đó, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông giữa đường bộ với đường sắt tại Ninh Thuận rất khó lường.
Ông Trần Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, để góp phần hạn chế tai nạn giao thông giữa đường bộ với đường sắt, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, cần cải thiện chất lượng các vị trí đường ngang giao với đường sắt. Do khó khăn về nguồn vốn, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí để tỉnh đầu tư xây dựng gờ gồ giảm tốc tại 19 vị trí đường ngang với kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng; đồng thời đầu tư lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo tại 63 lối đi dân sinh với kinh phí gần 800 triệu đồng.
Lối đi dân sinh giao cắt với đường sắt tại địa bàn huyện Thuận Nam vẫn chưa có hệ thống biển báo giao thông. |
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Ninh Thuận, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn 4 huyện, thành phố của tỉnh với chiều dài tuyến hơn 60km. Do nhiều lối đi dân sinh chưa cắm biển báo, nhiều điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ với đường sắt chưa làm gờ gồ giảm tốc, cộng thêm ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt của người tham gia giao thông và người dân sinh sống hai bên đường sắt còn nhiều hạn chế, tình trạng tai nạn giao thông đường sắt tại Ninh Thuận thường xuyên xảy ra. Từ đầu năm 2017 đến nay, địa bàn Ninh Thuận xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 4 người chết, tăng 2 vụ và tăng 2 người chết so với cùng kỳ năm 2016.