Những “bóng ma” ám ảnh Mào Sa Phìn

Những bãi đào vàng nằm chênh vênh trên sườn núi hoang vu thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, thế nhưng chốn thâm sơn cùng cốc này chưa bao giờ thiếu dấu chân người.


Mỗi bước đi là một bước lạnh sống lưng, bởi “vàng tặc”, bởi thổ phỉ đất này vốn chẳng nể nang ai. Chỉ cần một nhát dao hay một cú hích có thể khiến người ta mãi mãi bị chôn vùi giữa chốn rừng xanh núi thẳm.

Em biết về đâu cán bộ ơi?

Tới lán trại của Đội kỹ thuật trực ban thuộc Ban quản lý Dự án thăm dò mỏ vàng Sa Phìn (Công ty cổ phần Khoáng sản III- TKV) ở độ cao 1.500m, chúng tôi vẫn phải vượt qua những mỏm đá nhọn hoắt và bãi bùn lầy lội đôi khi đôi chân đã muốn khuỵu, cơ thể bải hoải nhưng rồi chúng tôi cũng đã tới được “trung tâm thổ phỉ”- nơi mà từ lâu, việc khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày.

Một nhóm “vàng tặc” khiêng máy lên bãi đào vàng


Các anh đồng ý cho chúng tôi theo chân đi tuần tra, dù cơn mưa rừng ầm ào vừa ngớt và những dòng suối gập ghềnh vẫn cuồn cuộn nước... Phát hiện sự xuất hiện của cán bộ tuần tra, đội quân đào vàng đã rủ nhau gùi máy vào rừng chờ đợi khi màn đêm buông xuống sẽ tiếp tục cuộc “ăn đêm” của mình.

Chúng tôi không khỏi rợn người khi chứng kiến bãi “chiến trường” mà trước đó vốn là nơi ăn chốn ở của những “con ma vàng”. Kim tiêm bừa bãi, chỏng chơ và lạnh lẽo. Chừng hơn chục người, trong đó có những cô gái, những cậu thanh niên mới lớn, có người không một mảnh vải che thân, đang quấn vào nhau trong góc lán trại đã rách toạc những mảng to đùng và ẩm ướt do cơn mưa bất chợt vừa qua.


Giữa bùn đất lầy lội, họ đen đúa như những con ma rừng. Không giống như tưởng tượng của tôi về thái độ bặm trợn, phản kháng mạnh mẽ của những tên thổ phỉ, họ lại là mấy cô gái, cậu trai mang khuôn mặt khá lành. Nhìn họ cũng khó đoán được bao nhiêu tuổi, bởi đứa nào đứa nấy khuôn mặt đen nhẻm đen nhèm.

Trong số 6 cô gái nhếch nhác, cái mặt nghênh ngang, quần áo rách bươm xộc xệch kia, tôi đặc biệt ấn tượng với cái tên Hiền vì giọng bất cần đời của cô khi trả lời cán bộ. Khó chịu, Hiền lạnh lùng lủi đi, bước thấp bước cao trong chiếc áo ba lỗ màu gụ để trơ ra xuơng cổ, chiếc quần bò nhuộm màu đất vàng, rách ngang xẻ dọc, mái tóc ngắn đàn ông hoe màu đỏ ệch.

“Bãi chiến trường” ngổn ngang do “vàng tặc” để lại

Nghe kể mới biết, nhà Hiền ở Minh Lương- nơi có một thời gian dài là “thủ phủ” của nạn “vàng tặc” và ma túy. Mẹ Hiền vốn là một bà chủ chuyên buôn bán ma túy. Mẹ bị bắt, của nả thi nhau đội nón đi theo bao cuộc chơi trác táng của Hiền.


Vào đây từ 3 năm trước, Hiền luôn chứng tỏ thói đàn chị, lúc khỏe thì rủ mấy đứa con gái khác đi đào vàng, trấn tiền của những đứa ít tuổi hơn. Sau những “chén chú chén anh rượu vơi lại đầy”, Hiền cũng như các chị em, dễ dàng thả mình với nhiều người đàn ông. Khi không có sức để chui vào bưởng đào quặng vàng, các cô sẵn sàng bán mình để đổi lấy một lần chích.

Triệu Vạt Sính, người dân tộc Dao, năm nay 16 tuổi quê ở Mù Cang Chải- Yên Bái. Nghe bạn rủ rê, Sính bỏ học, gia nhập “cõi vàng” này được 2 năm rồi. Đi theo chủ bưởng, nếu “trúng ục” quặng vàng, cao điểm có thể kiếm được tới cả chục triệu đồng/ tháng.


Nhưng Sính cũng như chúng bạn chưa bao giờ tích lũy được nổi đồng nào từ những ngày tháng đào quặng vàng, bởi chúng đã bị chủ bưởng “nhử” cho nghiện hết cả từ những ngày mới vào, và đều nghiện nặng. Để có thể thoả cơn thèm, mỗi ngày chúng phải cần tới 900 nghìn cho ba “phân” thuốc. Ngày nào không đẽo đục được quặng vàng, tức là ngày ấy đói.

Chúng mon men lại gần các lán trại của các cán bộ địa chất, khi thì “mượn tạm” vài con gà, khi thì ít sắt vụn, chủ yếu bán cho những người gùi hàng thuê để giải quyết “cơn khát” tạm thời. Và ao ước của Sính chẳng có gì “to tát”: Chỉ ước một ngày có được 3 “phân” để “chơi” cho nó thoải mái thôi”. Nhìn họ nhem nhếch, đờ đẫn, đôi bàn tay to, thô do đục quặng, rừng thiêng nước độc. “Con ma vàng” và “nàng tiên trắng” đã khiến má hồng thanh xuân xỉn màu bung bủng.

Thỉnh thoảng, những đôi mắt khắc khoải vô hồn đến tội nghiệp ấy lại nhìn nhau, rồi nhìn ra xa phía núi, lặng người. Với họ, sự cảm thông là gì khi cuộc đời đã bầm dập đến nát tan bởi khao khát vàng, bởi những “bi” thuốc trắng, những trận đòn oằn lưng từ chủ bưởng.

Khi tôi hỏi tại sao không về tìm việc gì lương thiện và ít nguy hiểm hơn, chúng chòng chọc nhìn lại tôi, những đôi mắt đục ngầu, lờ đờ cơn thèm thuốc đang đến, chỉ kịp nói trong cái ngáp dài tưởng như sái quai hàm: “Cán bộ bảo bọn em biết về đâu bây giờ?”.

“Con ma vàng” và “nàng tiên trắng”

Công tác trong ngành địa chất đã gần 30 năm, nhận trách nhiệm kỹ thuật tại địa bàn phức tạp Sa Phìn này đã được hơn 2 năm, Đội trưởng Phạm Tuấn Anh hiểu rất rõ địa thế cũng như những đối tượng đặc biệt nguy hiểm vẫn đang ngày ngày hoành hành nạn “vàng tặc”. Anh hướng dẫn chúng tôi vào tận hang sâu cheo leo - nơi những tên “vàng tặc” đã quen ngủ ngày làm đêm.


Chúng tôi không dám nhìn xuống vì chỉ giật mình đã có thể bị sẩy chân, bị nuốt chửng giữa thinh không mịt mù. Vậy mà, để có được vàng gốc, “vàng tặc” thường xuyên phải leo lên leo xuống giữa những tầng lò ấy. Gọi là lò cho… oai, chứ thực chất chỉ là một hốc núi cheo leo, cao vời vợi và sâu hun hút có chỗ chỉ chừng vài ba người chui lọt, dùng cây gỗ nhỏ bắc vào những hốc và họ ngồi đục quặng chỉ bằng dụng cụ đục thông thường.

Nếu không phải là chủ bưởng có trong tay hàng tỷ đồng để sắm cả chục dàn máy (chi phí kèm vận chuyển lên bãi vàng mỗi máy khoảng 20 triệu) thì đều phải chịu cảnh làm thuê, nhận những đồng lương rẻ mạt chừng 1- 1,5 triệu đồng/ tháng. Việc tìm quặng đã được chủ bưởng “cài đặt” sẵn. Chúng là những tay anh chị có “thâm niên” quần đảo nhiều bãi vàng, nên khi phát hiện ra dấu hiệu của quặng vàng, chúng đưa cho quân của mình mẫu quặng để tìm những miếng đất đá có màu sắc giống như vậy.

Quặng được đưa vào máy nghiền nhỏ. Sau đó, tất cả sẽ được cho qua một bể hóa như xi-nua, axít sunphuaric,… Bể lọc hóa chất dựng giữa trời, được quây bằng những bao đất. Hóa chất sau khi từ bể lọc sẽ chảy theo sườn núi, theo các nhánh suối đổ về con sông Nậm Xây. Và cuối cùng, để có được vàng gốc, chủ bưởng sẽ cần đến những “cận thần” trung thành dùng tay lọc vàng qua thủy ngân để đẩy đi những cặn thừa cuối cùng. Biết thủy ngân độc với cơ thể nhưng không ai nỡ từ chối vì… vàng.

Từ khi “vàng tặc” rộ lên, Mào Sa Phìn chưa có lấy một ngày bình yên, bởi những con suối đã nhuốm hóa chất, bởi tiếng nổ uỳnh ào mỗi đêm hay những sự mất tích bí ẩn của mạng người, do “thanh toán” lẫn nhau, do ốm chết vì bệnh tật mà không người thuốc thang, cứu chữa… chung quy cũng chỉ tại lòng tham con người.

Tính đến đầu năm 2010, trên 60% số hộ trong thôn Mào Sa Phìn có người nghiện ma túy- hệ lụy của nạn “vàng tặc”. Việc khai thác trái phép đã gây những tai nạn đau lòng: Chỉ trong 2 ngày 17 và 18/3/2010 vừa qua, liên tiếp xảy ra những vụ sập hầm, đá lăn lấy đi sinh mạng của 2 người. Ngày 3/4/2010, xảy ra một vụ tai nạn kinh hoàng làm 3 người chết và 1 người bị thương.

Vào thời điểm bãi vàng chưa có lực lượng công an huyện, phối hợp với huyện đội và các cán bộ của Ban Dự án thăm dò vàng Sa Phìn kết hợp vận động giải tán những bưởng vàng hoạt động trái phép, các anh bắt gặp rất nhiều những “cửu vạn” trong độ tuổi đi học. Nhưng chưa bao giờ người ta có thể ước lượng được chính xác số lượng trẻ em “chui thân” nơi những bưởng vàng.

Có nhiều trường hợp, khi các cán bộ đi vận động, yêu cầu chúng ra khỏi vùng này đã bị các đối tượng tấn công, khiến cho nhiều cán bộ bị thương nặng. Một trong những “pha” đỉnh điểm tại mỏ vàng Sa Phìn là vụ việc xảy ra vào ngày 1/2/2010, nhiều lán trại bị đốt và cơ sở vật chất bị tàn phá.

Ông Bàn Hữu Hương - Trưởng Công an xã Nậm Xây- người theo dõi sát sao nhất tại khu vực Sa Phìn cho biết: “Từ chỉ có một đối tượng khai thác trái phép, từ năm 2004 đến nay đã lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm đối tượng cầm đầu khai thác vàng trái phép.


Trong số đó, có những đối tượng là nữ, đối tượng đang ở tuổi vị thành niên, phần nhiều trong số họ mắc nghiện. Thời điểm tháng 4/2010, lực lượng công an mới chỉ giải tán được khoảng 300 đối tượng, Chính quyền xã cũng đã cho dựng chốt kiểm soát những hàng hóa, nghiêm cấm tình trạng vận chuyển máy móc, dầu máy lên bãi vàng phục vụ cho “vàng tặc”.

Cả đêm trong lán trại của cán bộ BQL Vàng Sa Phìn, tôi không tài nào chợp mắt vì tiếng chó sủa ầm ào, những bóng người loạng choạng trong màn đêm nhập nhoạng. Bị đuổi xuống núi vào ban ngày, họ rủ nhau trở lại vào ban đêm, dù vẫn biết những bưởng vàng có thể cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào nhưng “giấc mơ vàng” khiến họ không thể lùi lại .

Thu Dung – Khánh Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN