Video Nhức mắt xe cũ nát chở hàng nguy hiểm tái diễn trên phố Hà Nội:
Như báo Tin tức đã nhiều lần phản ánh, mặc dù cơ quan chức năng của Hà Nội đã thường xuyên ra quân tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng những chiếc xe máy cũ nát, xe tự chế kéo xe thùng chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, quá tải, xe 3 bánh thương binh... vẫn xuất hiện trên các tuyến phố nội đô, coi thường quy định pháp luật.
Điểm chung của những phương tiện này là đều đã cũ nát, bằng mắt thường có thể nhận ra được dấu hiệu của việc “hết hạn sử dụng” như: Không còi, không gương, không hệ thống đèn báo hiệu, không biển số… ngông nghênh diễu phố bất kể giờ nào trong ngày. Đáng nói, những xe này đều chở hàng hóa quá khổ quá tải, vật liệu sắt thép sắc nhọn... nhưng không che chắn, mặc nhiên lao vun vút trên phố.
Thêm vào đó, những xe này thường lợi dụng các tuyến đường thiếu vắng lực lượng chức năng tuần tra xử lý để hoạt động. Thực tế này đang trở thành nỗi "ám ảnh" của nhiều người tham gia giao thông Hà Nội với nỗi lo tai nạn rình rập mỗi khi gặp những chiếc xe này. Và đã có những vụ tai nạn chết người do phương tiện này gây ra, nhưng sau đó kết quả xử lý vẫn chỉ như "đánh trống bỏ dùi". Do mức xử phạt thấp, chưa đủ sức răn đe, nên nhiều chủ phương tiện, lái xe vẫn ngang nhiên hoạt động, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ.
Qua ghi nhận của phóng viên, những tuyến đường thường xuyên xuất hiện những xe này "diễn xiếc" chủ yếu như: Hoàng Quốc Việt, Trần Cung, Duy Tân, Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy), Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Bưởi, Lạc Long Quân, Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Kim Mã, Đội Cấn (quận Ba Đình), Lê Duẩn, Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng)...
Tình trạng gây mất an toàn giao thông nêu trên đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng các cơ quan, lực lượng chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Mặc dù hàng ngày, các Đội Cảnh sát giao thông (Phòng CSGT Công an Hà Nội) đều bắt giữ, xử lý hàng loạt trường hợp vi phạm, nhưng vẫn không xuể. Nhiều trường hợp vi phạm còn viện dẫn đủ lý do để chống đối, thậm chí bỏ xe, để gây áp lực với lực lượng chức năng.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an Hà Nội, thành phố hiện có gần 5,7 triệu xe gắn máy các loại, trong đó có tới gần 50% số xe đã sử dụng lâu năm, thậm chí từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn đang lưu hành. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm luật giao thông, nhiều trường hợp xe cũ nát không có giấy tờ, không có biển kiểm soát, gắn biển giả… Tuy nhiên, do chủ xe chủ yếu là người lao động nghèo, chở hàng thuê, nên khó xử phạt...
UBND TP Hà Nội đã ban hành công văn số 1370/UBND-TH yêu cầu Công an TP, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý xe 3 bánh, xe máy cũ nát lôi xe thùng tự chế và các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm, gây mất trật tự an toàn giao thông; giao lực lượng công an kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là những trường hợp lái xe máy "quá đát" để chở hàng.
Theo Khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường bộ đối với xe gắn máy: Không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 m, chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 m.
Khoản 3k Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện các hành vi vi phạm: Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác...
Để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông do những phương tiện quá hạn sử dụng, cũ nát, tự chế, chở quá khổ, quá tải nguy hiểm trên phố gây ra, đã đến lúc, Hà Nội phải mạnh tay xử lý đến nơi đến chốn. Bộ GTVT hiện đã có quy định cấm các loại xe hết niên hạn sử dụng, tự chế hoạt động, về nguyên tắc, lực lượng chức năng phải thu giữ các loại xe này để tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, các quy định, giải pháp này chỉ là phần “ngọn”, chính quyền sở tại và các lực lượng liên quan ở cơ sở phải có trách nhiệm tuyên truyền, xử lý triệt để, mới mong xóa sổ được loại xe này.