Nhiều thách thức trong công tác tiêm chủng

Bắt đầu từ năm 2017, dự án Tiêm chủng mở rộng được giao chỉ tiêu tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi trên quy mô toàn quốc tăng từ 90% lên 95%.Tuy nhiên, việc đạt tỷ lệ tiêm chủng cao tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa tiếp tục là thách thức lớn đối với công tác tiêm chủng.

Hầu hết tỷ lệ tiêm các loại vắc xin đều đạt tiến độ

Và theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), trong 3 tháng đầu năm 2018, hầu hết tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin đều đạt tiến độ. Cụ thể: Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh đạt 16,9%, cao hơn với cùng kỳ năm 2017 (16,2%).

Tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh lao (BCG), vắc xin phòng bại liệt (OPV) mũi 3, vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib mũi 3 (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib) và sởi đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh tại 152 trạm y tế và các cơ sở y tế có phòng sinh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Việt Nam vẫn duy trì được thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Cả nước không ghi nhận ca bại liệt hoang dại. Số ca mắc/chết do uốn ván sơ sinh giảm so với cùng kỳ năm 2017. Số ca mắc ho gà giảm so với cùng kỳ năm 2017 và không ghi nhận trường hợp mắc bạch hầu (quý I/2017 có 5 trường hợp).

Đặc biệt, trong tháng 2/2018, vắc xin phối hợp sởi - rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất đã được triển khai tại 4 tỉnh: Nam Định, Khánh Hòa, Đắk Nông và Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả cho thấy, tổng số 7.787 trẻ 18-24 tháng tuổi đã được tiêm chủng, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin như: Sưng, đau tại chỗ tiêm... rất thấp. Với kết quả đó, vắc xin MRVAC đã được Bộ Y tế đồng ý cho sử dụng trên toàn quốc từ tháng 4/2018. Đây là thành công của ngành y tế Việt Nam trong năm 2018 khi có thêm vắc xin an toàn, hiệu quả được sản xuất trong nước, tạo sự chủ động trong cung ứng vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết: Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được vận hành trên toàn quốc với hơn 11.000 điểm chủng tại trạm y tế xã/phường; hầu hết các điểm tiêm chủng dịch vụ, bệnh viện hoặc các cơ sở y tế có phòng tiêm trên cả nước.

Sau một thời gian triển khai, hệ thống đã mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho cán bộ y tế tại tuyến cơ sở, các cấp quản lý; điều phối sử dụng hiệu quả vắc xin, vật tư trong tiêm chủng. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 10 triệu đối tượng tiêm chủng là trẻ em và phụ nữ được quản lý trên hệ thống.

Đồng thời, ngay từ đầu năm 2018, dự án Tiêm chủng mở rộng đã tăng cường việc điều phối, sử dụng hiệu quả vắc xin, vật tư trong tiêm chủng mở rộng, đảm bảo cung ứng kịp thời và đầy đủ vắc xin cho các tuyến. Bên cạnh đó, dự án cũng phối hợp với dự án “Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở một số tỉnh trọng điểm” tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác tiêm chủng các khu vực và các tỉnh về lập kế hoạch tiêm chủng mở rộng, điều phối vắc xin và thống kê báo cáo sử dụng vắc xin, vật tư tiêm chủng nhằm quản lý sử dụng vắc xin có hiệu quả.

Nhiều khó khăn

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) Dương Thị Hồng cho biết: Độ bao phủ của tiêm chủng hiện đạt tỷ lệ cao hơn 95% trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, việc đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, tăng cường chất lượng tiêm chủng tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn tiếp tục là thách thức lớn đối với công tác tiêm chủng.

Nguyên nhân là do điều kiện đi lại không thuận lợi, đồng bào dân tộc với nhiều ngôn ngữ khác nhau, tập quán ở nương rẫy, ngủ rừng... nên cũng khó tiếp cận với tiêm chủng, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đã được cải thiện nhưng cần được tiếp tục tăng cường tại một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ đẻ tại nhà cao.

Thời gian qua, cùng với khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000. Tuy nhiên hiện nay, vi rút bại liệt hoang dại hiện vẫn còn lưu hành ở một số quốc gia vùng Nam Á, châu Phi (Afghanistan, Pakistan, Nigeria) nên nguy cơ xâm nhập và bùng phát dịch tại một số nước đã từng thanh toán bại liệt vẫn còn hiện hữu.

Đặc biệt, một số tỉnh, thành phố đã ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ mắc sởi, ho gà trước độ tuổi tiêm chủng. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng gần đây cho thấy 92,4% trẻ 6-8 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng) không được bảo vệ phòng bệnh sởi. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6-8 tháng tuổi, tỷ lệ trẻ được bảo vệ đã tăng lên.

Theo bà Dương Thị Hồng, hiện nay việc huy động vốn hỗ trợ từ các nguồn lực khác còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác tiêm chủng mở rộng. Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình, sự hỗ trợ của quốc tế cho tiêm chủng mở rộng đang giảm dần.

Vì vậy, Việt Nam phải đối mặt với thách thức để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nguồn lực đầu tư cho tiêm chủng mở rộng bao gồm: Củng cố và bổ sung trang thiết bị hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin, đào tạo, tập huấn, đặc biệt là triển khai thêm vắc xin mới trong tương lai.

Theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách Trung ương sẽ bố trí để đảm bảo có đủ nhu cầu vắc xin, bơm kim tiêm và hộp an toàn. Kinh phí triển khai hoạt động tiêm chủng bao gồm: Tập huấn, in tài liệu chuyên môn, chi trả công tiêm, đầu tư cho quản lý thông tin tiêm chủng, kiểm tra, giám sát... sẽ do các địa phương chủ động bố trí. Tuy nhiên, một số địa phương chưa được bố trí kinh phí này nên việc triển khai công tác tiêm chủng mở rộng còn gặp nhiều khó khăn.

Thúc đẩy việc tiêm vắc xin viêm gan B

Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh nêu rõ: Từ nay đến cuối năm 2018, dự án Tiêm chủng mở rộng tiếp tục phối hợp với Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thúc đẩy việc tiêm vắc xin viêm gan B tại các cơ sở khám chữa bệnh có phòng sinh. Trong năm 2018, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự án sẽ triển khai thí điểm tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại nhà ở tỉnh Lào Cai, đảm bảo tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sớm trong vòng 24 giờ sau sinh.

Đặc biệt trong năm nay, hoạt động triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực có trẻ sinh cũng được chú trọng. Dự án Tiêm chủng mở rộng tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại các trạm y tế xã miền núi, vùng sâu có ca sinh và các phòng khám đa khoa khu vực thuộc các tỉnh: Yên Bái, Nghệ An, Sơn La, Quảng Bình, Bắc Kạn, Bắc Giang và Khánh Hòa.

Đồng thời, dự án sẽ triển khai các lớp tập huấn về an toàn tiêm chủng, khám sàng lọc cho trẻ sơ sinh trước khi tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh cho cán bộ tiêm chủng tại các bệnh viện thuộc 7 tỉnh: Nghệ An, Sơn La, Quảng Bình, Bắc Kạn, Bắc Giang, Khánh Hòa và Hải Phòng. Ngoài ra, thời gian tới, dự án tiếp tục phối hợp rà soát lại hệ thống sổ sách, báo cáo và cập nhật vào hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia để thuận lợi hơn cho cán bộ trong quá trình sử dụng, quản lý hoạt động tiêm chủng…

Thu Phương (TTXVN)
Bé một ngày tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh
Bé một ngày tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh

Chiều 25/10, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã tổ chức họp báo, thông tin về trường hợp trẻ sơ sinh một ngày tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh. Theo đó, nguyên nhân tử vong hiện đang chờ kết quả xét nghiệm của các mẫu bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN