Bệnh viện vẫn quá tải
Tình hình quá tải của các bệnh viện TP Hồ Chí Minh diễn ra từ nhiều năm qua và có xu hướng tăng dần mỗi năm. Hàng năm, ngành y tế thành phố khám và điều trị cho hơn 30 triệu lượt bệnh nhân, trong đó, 40 - 60% người bệnh đến từ các tỉnh khu vực phía Nam, các tỉnh miền Trung. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, những than phiền của người dân khi đến các bệnh viện chủ yếu là thiếu giường nằm, thời gian chờ đợi khám bệnh còn lâu. Công suất sử dụng giường bệnh ở một số bệnh viện chuyên khoa và đa khoa đầu ngành đều ở mức cao như: Năm 2014 công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh là 180%, năm 2015 nhờ thực hiện các biện pháp giảm tải con số này có giảm xuống nhưng vẫn ở mức 170%; Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình công suất sử dụng giường bệnh 108% năm 2014, đến năm 2015 tăng lên 116%, hay Bệnh viện Nhi đồng 2 từ 107% lên 109%...
Bệnh nhân muốn đến các bệnh viện khám và làm các xét nghiệm thường phải chờ đợi mòn mỏi. Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình chị Phạm Thị Thanh Thảo mệt mỏi nói: “Tôi từ Quảng Ngãi vào đây để khám bệnh và mổ chân. Đi khám chờ đợi đã lâu, lịch mổ còn chờ đợi lâu hơn. Bác sĩ nói tôi phải chờ 4 - 5 ngày mới được mổ. Ở lại mà thuê phòng trọ và ăn uống, ngủ, nghỉ để chờ mổ tốn kém nhiều lắm, còn về quê thì mất công, lại phải tốn tiền tàu xe đi lại...”.
Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, biện pháp giảm tải lâu dài của ngành y tế thành phố là tăng số giường bệnh và chất lượng giường bệnh. Thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm của ngành như đưa Bệnh viện Nhi đồng thành phố vào hoạt động, thi công dự án Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, đảm bảo tiến độ của khu khám chẩn đoán kỹ thuật cao Bệnh viện Ung bướu, 47 Nguyễn Huy Lượng, triển khai đấu thầu và thi công ít nhất một công trình bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức, triển khai dự án xây dựng mới trung tâm y tế dự phòng thành phố.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án công trình, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn thành phố có 80 dự án y tế với tổng kinh phí đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Trong đó, có 5 dự án trọng điểm gồm Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi. Còn ở tuyến quận, huyện cũng có 30 dự án sửa chữa, mở rộng và xây mới bệnh viện.
Bệnh viện mới vẫn "án binh bất động"
Nói về các dự án trọng điểm, trong buổi tổng kết ngành y tế TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Tăng Chí Thượng nhìn nhận: Do khó khăn trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng nên các dự án kéo dài, không giao đất kịp tiến độ để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, do năng lực chủ đầu tư; tư vấn quản lý, tư vấn điều hành dự án; sự phối hợp giữa nhà thầu thi công và các sở, ban ngành chưa thật sự nhịp nhàng.
Trong số những dự án trọng điểm thì có dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình mới và Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 vẫn đang nằm án binh bất động. Trong đó, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình dự kiến đi vào hoàn thành vào năm 2012, tuy nhiên dự án này vẫn nằm trên giấy do nhiều vướng mắc. Ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban quản lý xây dựng công trình, cho biết, dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình có diện tích xây dựng là 5.000 m2, do vướng công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng nên không thể thực hiện theo đúng tiến độ. Cuối năm 2015, chủ đầu tư đã trình UBND thành phố phương án hoán đổi quỹ đất sang 4 lô đất ở Thủ Thiêm với tổng diện tích trên 39.000 m2. Đại diện Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cũng cho biết, bệnh viện vẫn đang lúng túng trong việc giải phóng mặt bằng, trách nhiệm cũng không biết thuộc về đơn vị nào.
Hay Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (phường Tân Phú, quận 9) đã được lên kế hoạch xây dựng chi tiết từ năm 2009 và dự kiến đến năm 2013 bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động nhưng đến nay bệnh viện này vẫn chưa được khởi công dù công tác giải phóng mặt bằng đã được hoàn tất. Theo đại diện Ban quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản, nguyên nhân dẫn đến việc ngưng khởi công xây dựng bệnh viện vào ngày 3/4/2016 là do chưa giải quyết dứt điểm kiến nghị khiếu nại của nhà thầu liên danh Tổng công ty TNHH MTV Xây dựng số 1 - VINACONEX theo quy định của Luật Đấu thầu và quy định hiện hành khác.
Được biết, vào ngày 23/3, liên danh nhà thầu Tổng công ty TNHH MTV Xây dựng số 1 - VINACONEX đã khiếu nại một số nội dung xung quanh hồ sơ dự thầu nhưng không được Ban quản lý chấp thuận. Sau đó, Ban quản lý đã có văn bản phản hồi các nội dung khiếu nại nhưng phía VINACONEX cho rằng không thỏa đáng.
Trong buổi làm việc với Sở Y tế thành phố mới đây, Bí Thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng đã đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện. |