Rùa từ cửa hàng, vỉa hè, lên mạng xã hội
Cùng với trào lưu nuôi “thú cưng” là các động vật hoang dã, nhiều gia đình, nhiều cá nhân đã chọn loài rùa cạn để “làm bạn” trong gia đình.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ các cửa hàng sinh vật cảnh, tới các chợ truyền thống, thậm chí cả hè đường… cũng có các điểm bán rùa, trong đó có nhiều loài rùa ngoại lai. Phục vụ thói quen mua sắm online, các shop bán rùa trên mạng xã hội cũng mọc ra nhan nhản. Chỉ cần gõ tên các loài rùa cảnh, thì chưa tới 1 giây, hàng chục ngàn kết quả đã hiện ra. Bán rùa tai đỏ: Khoảng 41.500.000 kết quả (0,72 giây); Bán rùa phóng xạ: Khoảng 680.000 kết quả (0,31 giây); Bán rùa bức xạ: Khoảng 1.050.000 kết quả (0,26 giây); Bán rùa Sulcata: Khoảng 11.700 kết quả (0,26 giây)… Các hội nhóm “Yêu rùa…” cũng la liệt trên các nền tảng xã hội khác nhau.
Phương H, chủ một cửa hàng online chuyên bán rùa tư vấn cho khách: "Nuôi rùa trong nhà là may mắn lắm, nhất là nhà có người già. Với đặc điểm sống lâu, rùa cũng mang tới sức khoẻ, tuổi thọ cao cho gia chủ”.
Các bạn trẻ không duy tâm thì nuôi rùa chỉ như một trào lưu. Đến giai đoạn “thoái trào” cùa trào lưu, thì đa phần những người đang tiếp tục nuôi vì lý do cảm thấy gắn bó với loài thú cưng dễ thương này.
N.T.H (Hoàng Hoa Thám) cho biết: Cách đây 4 năm, bạn được bạn bè tặng cho một đôi rùa “mini”. Thời điểm đó, nuôi rùa như là “mốt” của các bạn trẻ. Rùa được nuôi trong khay, như một thú cưng “yên tĩnh” và dễ thương, sạch sẽ, có thể xách đi chơi hoặc để ngay trên bàn ở nhà. Từ hai chú rùa nhỏ này, gần đây bạn đã mua thêm 1 con rùa cạn khác, thả trong căn hộ nhỏ của mình. “Rùa rất sạch, hiền, cứ “lụ khụ” trong xó nhà, như một “công nhân đuổi muỗi” cần cù, nên tôi rất thích”- H tâm sự.
Nguy cơ bệnh tật và… đi tù
Dù là một thú cưng hiền lành, nhưng những chú rùa cảnh nuôi trong gia đình cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Trước tiên, là nguy cơ về sức khoẻ. Phổ biến nhất là những trường hợp gặp tai nạn “rùa cắn” khi đùa nghịch với loài “thú cưng” ngỡ hiền lành này. Vết thương do rùa cắn thường khá sâu, và nếu nhiễm trùng thì càng khó xử lý. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng từng lưu ý về các ký sinh, vi khuẩn trên rùa có thể lây sang người và gây những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ.
Và nguy cơ hiện hữu nhất là việc nuôi những chú rùa, nhất là những loài rùa hoang dã có trong “sách đỏ”, những loài rùa ngoại lai, người nuôi có thể đối mặt với các vấn đề về pháp lý.
Cuối tháng 11/2023 vừa qua, một đối tượng đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk kết án 1 năm 6 tháng tù và đồng thời bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 345 triệu đồng cho hành vi nuôi nhốt, tàng trữ trái phép các loài rùa ngoại lai (không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam). Trong nhà của đối tượng này có các cá thể rùa Sulcata, rùa phóng xạ (bức xạ) đang bị nuôi nhốt trái phép.
Theo các chuyên gia của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) rùa phóng xạ - còn được gọi là rùa bức xạ (Astrochelys radiata) và rùa Sulcata (Centrochelys sulcata) là 2 loài rùa nguy cấp, quý, hiếm không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam và đều được được liệt kê trong Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Trong đó, rùa phóng xạ được liệt kê trong Phụ lục I CITES - nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu vì mục đích thương mại và rùa Sulcata được liệt kê trong Phụ lục II CITES – các hoạt động xuất, nhập khẩu và buôn bán bị kiểm soát chặt chẽ. Việc buôn bán rùa phóng xạ có nguồn gốc từ tự nhiên bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư. Trong khi đó, việc nuôi nhốt, buôn bán rùa Sulcata đòi hỏi phải đảm bảo giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi nuôi nhốt, buôn bán trái phép rùa phóng xạ và rùa Sulcata có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù đối với cá nhân theo quy định tại Điều 234, 244 Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017) và/hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức hình phạt tối đa lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại Điều 21, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP).
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc – ENV chia sẻ: “Ngoại hình bắt mắt,“độc, lạ” của các loài ĐVHD ngoại lai đã khiến hoạt động nuôi nhốt các loài này để làm cảnh đang trở thành trào lưu trong một bộ phận người dân và đặc biệt là giới trẻ. Người dân thường mua rùa, ĐVHD ngoại lai từ các nguồn trôi nổi trên thị trường, chủ yếu là qua các trang mạng xã hội mà không biết rằng hoạt động buôn bán trái phép các loài rùa này là hành vi vi phạm pháp luật. Không chỉ vậy, hoạt động nuôi ĐVHD ngoại lai để làm cảnh còn tiềm ẩn nguy cơ lan truyền các dịch bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD, gây ảnh hưởng đến quần thể loài bản địa nếu loài ngoại lai được thả về môi trường và đồng thời tác động xấu đến công tác bảo tồn các loài quý, hiếm trên toàn cầu”.
Cũng theo ENV, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, ENV đã ghi nhận 158 vụ việc với hàng ngàn cá thể ĐVHD không có phân bố tự nhiên tại Việt Nam bị quảng cáo, buôn bán trên Internet có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tình trạng buôn bán ĐVHD ngoại lai diễn biến phức tạp đòi hỏi giải pháp toàn diện để có thể xử lý triệt để, góp phần ngăn chặn các mối nguy hại của hoạt động này đối với sức khỏe con người, đa dạng sinh học của Việt Nam và công tác bảo tồn ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên toàn cầu.