Qua 3 năm triển khai việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, đến nay TP.HCM đã đầu tư lắp đặt được hơn 170 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC). Tuy nhiên, việc lắp đặt NVSCC không có sự quy hoạch đã tạo nên một nghịch lý: Nơi cần thì không có mà nơi có thì không cần. Điều này đã và đang để lại ấn tượng không tốt cho du khách nước ngoài khi đến tham quan du lịch tại TP.HCM.
Nghịch lý
Dạo quanh những địa điểm có nhiều du khách nước ngoài tham quan như đường Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… du khách hoặc khách vãng lai rất khó tìm được NVSCC. Thậm chí, ngay tại khu vực có 3 điểm tham quan du lịch nổi tiếng của TP.HCM là Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất và Bưu điện TP.HCM, nếu du khách có “nhu cầu” cũng không biết “giải tỏa” ở đâu. Còn khu vực nào có NVSCC thì cũng phải cất công tìm mới thấy. Cụ thể trên con đường Hùng Vương, kéo dài từ quận 5 đến quận 10, nơi có duy nhất một NVSCC nhưng lại nằm ngay chợ An Đông và hàng ngày, đang bị hàng quán bao vây. Trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 6), chỉ có 1 cái, nhưng cách bố trí và hoạt động thì lại giống một quầy tạp hóa hơn là một NVSCC.
Nhà vệ sinh công cộng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh trở thành quán tạp hóa và bán café. |
Trong khi những điểm đông dân cư, buôn bán quá thiếu NVSCC thì những khu vực ít du khách và người dân, NVSCC lại trở nên thừa, như khu vực công viên dưới chân cầu vượt Văn Thánh 2 và cầu Sài Gòn có đến 2 NVSCC … Chị Minh – quản lý NVSCC dưới chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) cho biết: “Do đây là đường một chiều, lại ngay khu vực có nhiều xe tải, xe contenner di chuyển ra ngoại thành nên rất ít người dừng lại để giải quyết “nhu cầu”. Để kiếm thêm thu nhập và trả tiền cho Công ty dịch vụ công ích 70.000 đồng/ngày (phí đăng kí quản lý NVSCC), tôi phải bán kèm tạp hóa và café”.
Thừa nhận tình trạng nghịch lý thừa – thiếu NVSCC, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết: Do thành phố chưa có quy hoạch tổng thể hệ thống NVSCC nên chưa đánh giá được xác thực nhu cầu sử dụng của người dân cũng như khả năng đáp ứng của thành phố hiện nay và trong tương lai. Vì vậy, NVSCC được xây dựng chủ yếu dựa vào đề xuất của UBND các quận, huyện. Hiện mạng lưới NVSCC phần lớn tập trung ở khu trung tâm thành phố, công viên, chợ, bến xe, một số ít gần bệnh viện, trường học… với số lượng và vị trí chưa hợp lý, bán kính phục vụ không đồng đều, rất ít khách đi đường và khách du lịch sử dụng.
Vẫn do thiếu ý thức?
Theo ông Nguyễn Văn Phước, do NVSCC hiện hữu không nhiều, một phần lại xuống cấp, ít được tu dưỡng nên khả năng phục vụ không cao. Mặt khác, ý thức của đa số người dân còn thấp và nhân viên quản lý không thể dọn rửa nhiều lần trong ngày nên rất nhiều NVSCC bốc mùi hôi, khiến khách rất ngại sử dụng NVSCC. Chưa kể, một vài vị trí NVSCC đặt ở những khu vực khá phức tạp, tập trung nhiều thành phần xấu, nên trong một thời gian dài, những NVSCC này hoạt động không hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, một hướng dẫn viên du lịch tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mỗi lần dẫn tour trong thành phố, tôi thường khuyên du khách nên đi vệ sinh tại khách sạn trước khi bắt đầu chuyến đi hoặc đi tại các điểm tham quan du lịch. Bởi đã có nhiều du khách hỏi về NVSCC, nhưng trên đường đi rất khó tìm thấy. Nếu thấy, NVSCC cũng rất mất vệ sinh, không khách nào dám vào”. Còn chị Hoài Oanh, Giám đốc Công ty dịch vụ thương mại du lịch X.C tỏ ra lo lắng trước sự phức tạp ở những điểm du lịch có NVSCC. Đã có nhiều du khách bị cướp, giật đồ khi vào NVSCC.
Chị Thu Thủy, quản lí NVSCC trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) cũng cho hay: “Dù có NVSCC sạch sẽ, thì nhiều người thiếu ý thức văn minh đô thị vẫn thích “tưới cây” bên ngoài NVSCC hơn là sử dụng dịch vụ này, đặc biệt là các lái xe du lịch, xe tải... Bản thân tôi đã nhiều lần khuyên họ nếu đi vào NVSCC, sẽ giảm giá còn 1.000 đồng/lần (dù quy định 2.000 đồng/lần) nhưng không biết có phải vì tiếc tiền hay do thói quen mà đa số chẳng để tâm”.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Phước cho rằng: Cần phải có quy hoạch tổng thể hoặc hoạch định chiến lược phát triển hệ thống NVSCC cho toàn thành phố. Thực tế, việc xây dựng và lắp đặt NVSCC còn chạy theo số lượng, chạy theo nhu cầu xã hội nên không theo một định hướng, tiêu chuẩn cụ thể, dẫn đến khó khăn trong công tác chọn vị trí, chọn mặt bằng… Thêm vào đó, cần xã hội hóa trong đầu tư và quản lý NVSCC bằng cách kêu gọi nhiều thành phần kinh tế, nhiều lĩnh vực hoạt động cùng tham gia như: Công ty, nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, cây xăng, các cá nhân... Cải tiến mẫu NVSCC phù hợp với mỹ quan, phù hợp với đặc điểm đô thị của TP.HCM, áp dụng nhiều loại hình NVS như cố định, di động, bán di động, NVS thông minh… Để tăng tính mỹ quan, hấp dẫn và có thể bù một phần kinh phí quản lý, thành phố nên chăng cho quảng cáo trên NVS và bên ngoài các NVSCC có thể kinh doanh một số mặt hàng nhất định.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết – Hải Yên