Nguy cơ tuyệt chủng với nhiều loài động vật hoang dã

Việt Nam được thế giới công nhận là 1 trong 16 quốc gia trên thế giới có tính đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, nhiều vụ việc săn bắt, giết hại dã man động vật hoang dã đang đẩy rất nhiều loài động vật hoang dã đến nguy cơ tuyệt chủng.

 

Việc người dân “vô tư” sử dụng động vật hoang dã làm đồ ăn hay làm thuốc đã vô tình tiếp tay cho nạn săn bắt trái phép động vật hoang dã.

 

Tràn lan vi phạm


Thời gian qua, dư luận vô cùng bức xúc trước vụ việc một số thanh niên hành hạ dã man con voọc chà vá chân xám đang mang thai (thuộc nhóm 1B trong danh mục các loài động vật nghiêm cấm khai thác, sử dụng theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP). Điều đáng nói là không chỉ hành hạ con voọc, nhóm thanh niên này còn chụp ảnh và tung lên facebook như muốn khoe mẽ, thể hiện chiến công của mình.


 

Đầu và thân của một trong 4 con hổ bị giết hại tại nhà dân ở Hà Nội vào tháng 9/2007.

 

Vụ việc giết voọc vừa qua chỉ là một trong vô vàn những vi phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD) vẫn đang diễn ra hàng ngày. Theo anh Nguyễn Văn Quân, Trưởng phòng Bảo vệ động vật hoang dã, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), tính từ năm 2005 đến nay, ENV đã phát hiện hơn 4.300 vụ việc vi phạm liên quan đến ĐVHD với tổng số hơn 11.000 hành vi vi phạm (săn bắt, buôn bán, tàng trữ, quảng cáo), trong đó có đến hơn 5.000 vi phạm liên quan đến quảng cáo, kinh doanh; 3.000 vi phạm liên quan đến buôn bán ĐVHD.


Không khó để bắt gặp cảnh những biển hiệu nhà hàng quảng cáo thịt thú rừng ở khắp mọi nơi trên cả nước. Với nhiều người, việc ăn thịt thú rừng hoặc sử dụng các sản phẩm từ thú rừng được coi là một sự sành điệu, là cách để chứng tỏ “đại gia” nhiều tiền. Đó là một trong các lý do khiến động vật hoang dã bị giết hại, săn bắn hàng ngày, hàng giờ, dù cho cả nước có tới 164 khu bảo tồn, trong đó có 30 vườn quốc gia và 134 khu bảo tồn thiên nhiên, với tổng diện tích hơn 2,2 triệu ha.


Còn theo báo cáo của Cục Kiểm lâm, chỉ tính riêng trong năm 2010, các cơ quan chức năng đã bắt giữ, tịch thu 34 tấn thịt động vật hoang dã từ các vụ buôn bán trái phép tại Việt Nam. Tuy nhiên con số này cũng chỉ chiếm 5 - 10% so với lượng ĐVHD thực tế bị buôn bán trái phép. Thủ đoạn của các đối tượng săn bắt, buôn bán ĐVHD ngày càng tinh vi, trong khi lực lượng kiểm lâm lại rất hạn chế. Do đó, nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài động vật quý hiếm ngày càng hiện rõ.


Ngày 25/10 năm ngoái, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) và Quỹ bảo tồn tê giác quốc tế (IRF) đã chính thức xác nhận tê giác một sừng đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Còn các loài động vật quý hiếm khác như hổ, voi, gấu… cũng đang trong tình trạng cực kì nguy cấp.


Đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp phạt nghiêm


Theo anh Nguyễn Đức Thọ, chuyên gia giáo dục bảo tồn của Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), để bảo vệ ĐVHD nói riêng cũng như giải quyết vấn đề môi trường khác nói chung cần làm tốt đồng thời bốn nhóm giải pháp: Nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường; nghiên cứu khoa học, đa dạng sinh học; nâng cao sinh kế cho cộng đồng (nhất là đối với các cộng đồng sống xung quanh vùng đệm các vườn quốc gia, khu bảo tồn hoặc những nơi có các loài ĐVHD quan trọng sinh sống) và thực thi pháp luật.


“Cần tiến hành đồng thời các nhóm giải pháp này. Ví dụ như với cộng đồng, cách đơn giản nhất để tham gia bảo vệ ĐVHD là không ăn thịt hay nuôi trái phép các loài ĐVHD, hay khi phát hiện được các loài ĐVHD bị săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt trái phép hãy gọi điện thông báo tới cơ quan chức năng...”, anh Thọ cho biết.
Với mạng lưới hơn 3.000 tình nguyện viên trên cả nước, ENV đang hoạt động rất tích cực trong việc giáo dục cộng đồng bảo vệ các loài ĐVHD. Đường dây nóng 18001522 hàng ngày nhận được từ 30 - 40 cuộc gọi của người dân cả nước cung cấp thông tin về các vi phạm liên quan đến ĐVHD. “Từ những thông tin nhận được, chúng tôi có 2 hướng xử lí. Nếu là những vi phạm nhỏ xảy ra ở các nhà hàng ăn uống, chúng tôi sẽ trực tiếp gọi điện, gửi thư khuyến cáo cho họ để vận động họ không tiếp tục vi phạm nữa. Còn với những vi phạm lớn, chúng tôi sẽ báo cáo cho các cơ quan chức năng như kiểm lâm, cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông để phối hợp giải quyết”, ông Hưng cho biết.


Song song với việc giáo dục nhận thức cho người dân, để bảo vệ ĐVHD, cần tăng nặng các hình thức xử phạt để răn đe. Hiện nay, các vi phạm liên quan đến ĐVHD được quy định trong điều 190, Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009), theo đó mức xử phạt nặng nhất là phạt tù 7 năm và phạt tiền 500 triệu đồng. Mức xử phạt này đã cao hơn nhiều so với mức được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2009, tuy nhiên nếu so với món lợi mà các đối tượng săn bắt ĐVHD thu được, cũng như sự tàn phá thiên nhiên mà các hành vi vi phạm gây ra thì mức phạt đó vẫn quá thấp.

 

Tin 'thần dược', tiền mất tật mang
Tin 'thần dược', tiền mất tật mang

Vì quá tin vào những lời đồn thổi mà nhiều người đã tìm mua bằng được những sản phẩm thuốc có nguồn gốc từ động vật hoang dã (ĐVHD) như mật gấu, cao hổ cốt, sừng tê giác…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN