Video Nguy cơ mất an toàn giao thông từ xe tải bán hàng lưu động:
Dọc đoạn đường Ngọc Hồi - Văn Điển (nối quận Hoàng Mai với huyện Thanh Trì) từ cổng Bến xe Nước Ngầm đến cổng Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, lâu nay xuất hiện hàng chục chiếc xe tải nhỏ, trọng tải từ 1,5 - 2,5 tấn, chở hoa quả đủ loại dừng đỗ vô tội vạ, chỉ cách nhau vài chục mét, tràn hết ra lòng đường để bày bán ngang nhiên, biến đoạn đường thành nhiều "chợ cóc" di động.
Không chỉ dừng đỗ xe kinh doanh lấn chiếm lòng đường, mà các chủ xe, lái xe tải còn cắm ô, treo biển, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông và gây mất mỹ quan đô thị. Đáng nói, Quốc lộ 1A đi qua đoạn đuờng này chật hẹp, có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc 24/24 giờ trong ngày với tốc độ cao, nhất là các loại xe tải trọng lớn, xe container, xe đầu kéo, xe khách, xe buýt... nên việc các chợ "chợ cóc" hoạt động tại đây luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông.
Nhiều người dân sinh sống hai bên đuờng bức xúc phản ánh, hàng ngày phải di chuyển qua tuyến đường đều phải nhìn trước ngó sau trước tình trạng xe ô tô tải trọng lớn phóng nhanh, vượt ẩu hai chiều, nhưng những người đi đường dừng đỗ bất ngờ vào mua hoa qua tại các "chợ cóc" lưu động này khiến giao thông hỗn loạn, nhất là vào giờ cao điểm, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không ít trường hợp người đi đường va quệt, ngã xe do tránh người mua hàng đột ngột dừng lại ven đường, nếu có xe ô tô đi tới, thì tai nạn khó tránh khỏi và vấn đề này đang trở thành nỗi "ám ảnh" với người dân nơi đây...
Thực tế trên cũng đang diễn ra ngang nhiên tại nhiều tuyến phố trong các quận nội đô, gây bức xúc dư luận. Do không phải đóng thuế, hoạt động tự do, thu dọn nhanh, tiện đâu dừng đó, chỉ cần vị trí có đông người qua lại, dừng xe dưới lòng đường, hạ thùng xe... là các chủ xe, lái xe có thể mắc võng, bày bàn ghế, ung dung bán hoa quả, hàng hóa và khi có người mua hàng, ngay lập tức các "chợ cóc" hình thành. Đáng lên án là tại vị trí các "chợ cóc" này, sau khi chào mời khách mua hàng, thử hàng, các loại rác thải, vỏ hoa quả, trái cây hỏng... được cả người bán lẫn người mua vô tư xả bừa bãi tại chỗ, tạo thành những đống rác gây ô nhiễm môi trường, nhếch nhác đô thị ngay sau đó.
Chưa hết, không chỉ bán hoa quả lưu động, nhiều chủ xe, lái xe còn ngang nhiên lấn chiếm toàn bộ vỉa hẻ một số tuyến phố, bày bán hàng hóa tạp phẩm như "siêu thị mi ni". Mặc dù thu hút nhiều người mua hàng, nhưng tình trạng dừng đỗ xe vào mua bán luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong khi lực lượng chức năng ở các quận, huyện Hà Nội vẫn ra quân, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiểm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh trái phép, nhưng không hiểu vì sao tình trạng vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng vẫn diễn ra...
Qua tìm hiểu của phóng viên, trước đây, người bán hàng rong hoa quả, hàng hóa chỉ sử dụng những chiếc sọt, tủ kính nhỏ được chuyên chở trên các xe máy, bán vội vàng bên lề đường và có thể di chuyển ngay khi gặp lực lượng chức năng. Tuy nhiên hiện nay, các điểm bán hàng rong là những chiếc ô tô tải dừng đỗ ngay dưới lòng đường, thậm chí căng bạt, kê sạp bán hàng trên vỉa hè không khác gì họp chợ.
Trước tình trạng trên, thời gian qua, lực lượng công an các quận của Hà Nội đã thường xuyên tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý vi phạm, lập lại trật tự đô thị, trật tự công cộng tại các khu vực, các tuyến đường, duy trì Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 ngày 15/2/2023 của Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội về "Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng năm 2023". Song, do cách làm ở cơ sở như kiểu "bắt cóc bỏ đĩa", nên nhiều chủ xe, lái xe tải bán hàng rong vẫn tranh thủ lợi dụng những lúc vắng bóng lực lượng chức năng, ngang nhiên bán hàng.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về “Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ” như sau: Đối với hành vi lấn chiếm sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, rửa xe, treo biển hiệu, biển quảng cáo… hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm. Quy định là vậy, song theo nhiều người dân, mức xử phạt cho mỗi lần vi phạm như vậy chưa đủ sức răn đe, nên vi phạm vẫn tiếp diễn và gia tăng.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, việc xử lý vi phạm nếu không được các cấp chính quyền, lực lượng chức năng sở tại triển khai thường xuyên, liên tục, quyết liệt, tình trạng này vẫn sẽ tiếp diễn và biến tướng, gây mất trật tự an toàn giao thông. Thêm vào đó, các chiến dịch dẹp kinh doanh, buôn bán chiếm dụng vỉa hè, lòng đường ở cơ sở sẽ mất lòng tin với người dân...