Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mưa lũ 2 ngày qua đã gây nhiều ảnh hưởng và thiệt hại về nhà cửa, cây cối, hoa màu trên địa bàn, nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Cụ thể, mưa lớn đã gây ngập úng, sạt lở đất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 555 nhà dân ở TP Yên Bái, huyện Văn Yên, Trấn Yên. Mưa lũ cũng làm thiệt hại khoảng 700 ha lúa, ngô và rau màu, hơn 700 con gia cầm; hơn 20ha diện tích nuôi trồng thủy sản... Tổng thiệt hại ước tính lên đến 12 tỷ đồng.
Ngày 20/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai đã có công điện gửi các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội về việc ứng phó mưa lũ phía Bắc.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp phân tích trên kết hợp với hội tụ gió lên đến mực 5.000m, trong ngày 20 - 22/8 ở khu vực Đông Bắc tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa đến 100 - 120mm. Đồng thời, ngày 20/8, Trung Quốc đã có thông báo xả lũ hồ chứa Mã Đồ Sơn trên lưu vực sông Hồng.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, đặc biệt là lũ cao trên sông Thao, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các địa phương tập trung heo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Lúc 7 giờ ngày 20/8, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái là 32,5m, trên mức báo động 3 là 0,5m.
Hiện nay, trên tuyến đê sông Thao, tỉnh Phú Thọ đã xuất hiện một số sự cố do mưa, lũ. Vì thế, các địa phương cũng cần tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định; kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xử lý dứt điểm các sự cố đê điều đã xảy ra.
Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, các hoạt động kinh tế - xã hội ở ven sông, bãi sông và các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở. Sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa lũ ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên sáng ngày 20/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, tính đến 21 giờ ngày 19/8, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Cụ thể, đã có 7 người chết (tăng thêm 1 người tại Lào Cai do sạt lở đất vùi lấp nhà so với báo cáo nhanh ngày 18/8), 1 người bị mất tích tại Lào Cai bị lũ cuốn trôi, 4 người bị thương.
Hiện có hơn 1.000 nhà bị hư hỏng hoặc di dời khẩn cấp (Lào Cai 52 nhà, Thái Nguyên 55 nhà, Yên Bái 555 nhà, Hòa Bình 2 nhà, Phú Thọ 23 nhà, Hà Giang 136 nhà, Sơn La 48 nhà, Cao Bằng 5 nhà, Điện Biên 128 nhà). Cùng với đó, 1.660 ha lúa và 433 ha hoa màu bị thiệt hại. Một số tuyến đường tỉnh, liên xã bị sạt lở đất đá với tổng khối lượng khoảng 67.000 m3.
Tổng thiệt hại ước tính khoảng 45 tỷ đồng. Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại.