Ẩn họa từ những cánh diều
Tại xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, những năm gần đây, nhiều nam thanh niên ở địa phương có thú chơi thả diều. Không ít người dày công chế tác nên những con diều khổ lớn và thậm chí có những cánh diều rộng đến khoảng 5m.
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Điện lực Kim Thành, thú chơi thả diều tại huyện Kim Thành gần đây phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Kim Thành có hội diều sáo thu hút gần 3.000 thành viên. Tuy nhiên, việc thả diều đã từng gây ra những sự cố mất điện khiến đơn vị rất vất vả trong việc xử lý và khắc phục hậu quả. Tính riêng năm 2020, trong 132 vụ sự cố lưới điện đã có tới 32 vụ sự cố vi phạm hành lang lưới điện cao áp; trong đó, chủ yếu do diều tăng 27 vụ so với năm 2019.
“Nhiều trường hợp người dân thả diều từ tối hôm trước đến sáng hôm sau. Khi xảy ra sự cố, ngành điện rất vất vả trong việc kiểm tra và xử lý sự cố, nhất là những trường hợp xảy ra vào ban đêm, hoặc những khu vực như cánh đồng, xe chuyên dụng của chúng tôi không thể vào tiếp cận được nên việc khắc phục mất nhiều thời gian, gây bức xúc trong khách hàng”, ông Tuấn chia sẻ.
Vấn nạn thả diều gây nên sự cố lưới điện không phải là câu chuyện mới nhưng điều đáng quan tâm là thú vui này ngày càng thịnh hành tại nhiều miền quê với số lượng các hội diều sáo thu hút ngày càng đông hội viên tham gia. Những con diều ngày càng được chăm chút đầu tư về mặt thẩm mỹ, có kích thước và kiểu dáng phong phú. Điều này càng tiềm ẩn gia tăng nguy cơ gây sự cố lưới điện.
Thực tế cho thấy, các sự cố lưới điện do hành vi thả diều thường gây nên mất điện kéo dài, thiệt hại lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội. Theo thống kê của Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương, trong năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra nhiều sự cố điện liên quan đến việc thả diều. Đơn cử, tại thị xã Kinh Môn, có 17 sự cố dẫn đến mất điện tại địa bàn các phường An Lưu, Hiến Thành, Thái Thịnh, Hiệp Sơn, Phú Thứ, Duy Tân, An Phụ, Phạm Thái và các xã Minh Hòa, Quang Thành, Hiệp Hòa.
Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng này tiếp tục tái diễn tại thị xã Kinh Môn, gây mất điện trên diện rộng với 6 sự cố do thả diều. Đơn cử, việc thả diều đã gây sự cố mất điện 1 tiếng đồng hồ vào ngày 27/3 và mất điện 80 phút ngày 17/4 đối với trên 9.800 khách hàng sử dụng điện ở các phường Thái Thịnh, Hiến Thành và xã Minh Hòa.
Cần nhiều biện pháp ngăn chặn
Thời gian qua, ngành điện Hải Dương đã có nhiều biện pháp để hạn chế những ảnh hưởng từ việc thả diều đến an toàn hành lang lưới điện; trong đó, Điện lực Kim Thành là một trong những đơn vị đi đầu tích cực triển khai nhiệm vụ này và mới đây đơn vị đã trực tiếp đề xuất, kiến nghị các giải pháp và được sự ủng hộ của chính quyền địa phương.
Theo đó, Huyện ủy Kim Thành đã chỉ đạo các ngành và Ủy ban Nhân dân các xã thị trấn vận động, ký cam kết với nhân dân trong xã. Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Ngoài ra, ngành điện cũng phối hợp với công an xã tăng cường tuần tra kiểm soát, kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến người dân về nguy cơ của việc thả diều gây ra đối với an toàn hành lang lưới điện.
Ông Hoàng Lê Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Dân cho biết: “Để tránh nguy cơ thả diều gây mất an toàn hành lang lưới điện, xã đã phối hợp cùng Điện lực Kim Thành tuyên truyền thông báo trên loa truyền thanh xã, tổ chức cho lực lượng an ninh thôn nhắc nhở các nam thanh niên hạn chế thả diều, đặc biệt là thả gần hành lang lưới điện, tránh xảy ra việc không may diều vướng vào đường dây điện gây mất điện diện rộng. Với những trường hợp nhắc nhở không được, xã đã tịch thu diều để răn đe”.
Tuy vậy, đại diện lãnh đạo Điện lực Kim Thành cũng cho rằng, hiện nay còn nhiều khó khăn trong việc xử lý dứt điểm tình trạng này. Nhiều trường hợp tuy diều được thả ở nơi xa hành lang lưới điện nhưng khi bay lên cao, đứt dây hoặc do các yếu tố của thời tiết tác động có thể rơi hoặc vướng vào đường dây điện ở một khu vực khác cách xa địa điểm thả. Khi sự cố xảy ra, rất khó để xác định và tiến hành xử phạt người vi phạm.
Mặt khác, chế tài xử phạt đối với hành vi thả diều gây ra sự cố lưới điện vẫn chưa đủ mạnh. Một bất cập hiện nay là Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ nêu rõ chỉ xử phạt hành vi thả diều gây sự cố lưới điện.
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, việc xử phạt này chỉ mang tính răn đe chứ không nghiêm cấm tuyệt đối, do đó người dân vẫn tham gia vào việc thả diều. Tại huyện Kim Thành, hội diều sáo hàng năm tổ chức lễ hội thả diều rất chuyên nghiệp. Năm 2020, lễ hội này diễn ra tại xã Kim Anh với hàng trăm con diều trên bầu trời, phía dưới là đường dây 110kV. Trước sự việc này, ngành điện đã báo cáo công an, chính quyền địa phương nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền vận động.
Hơn nữa, việc thả diều, vật bay gần đường dây, trạm điện có khả năng gây ra sự cố làm mất điện diện rộng. Khi diều, vật bay va chạm vào đường dây, trạm điện rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân, vi phạm Luật Điện lực và vi phạm các quy định về an toàn điện. Do vậy, việc ngăn chặn tình trạng thả diều gây mất an toàn hành lang lưới điện là vấn đề cần sự quan tâm, chung tay vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía.