Người vinh dự kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập

Câu chuyện về bà Lê Thi đã vinh dự được kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2/9/1945, luôn được nhắc đến trong gia đình bà mỗi dịp tháng Tám lịch sử. Với con cháu bà, đây là niềm tự hào, là sự trân trọng công lao với người đi trước.

Nhân chứng của sự kiện trọng đại

Ngày 2/9/1945, thiếu nữ Hà thành Lê Thi cùng bà Đàm Thị Loan, một phụ nữ dân tộc Tày đã vinh dự được chọn làm người kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập. 75 năm sau, trước thềm kỷ niệm ngày Quốc khách của đất nước, tại căn nhà trên phố Ngô Quyền (Hà Nội), anh Lê Minh Quốc, con trai thứ của bà Thi đã kể lại cho tôi nghe những kỷ niệm thiêng liêng của người mẹ thân yêu trong ngày trọng đại của dân tộc.

Chú thích ảnh
Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Anh Quốc kể, mẹ anh rất ít nói về mình. Mỗi năm nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám (19/8), Quốc khánh (2/9), các cơ quan báo chí lại tìm đến để phỏng vấn, nghe kể về câu chuyện, cảm xúc của bà khi kéo cờ tại Lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945. Mỗi lần như vậy bà tiếp rất nhiều khách. Sau này, ngồi vui trong bữa ăn gia đình, bà mới kể lại chuyện gặp ai, hôm nay có báo nào phỏng vấn, câu chuyện cứ thế thấm đẫm trong ký ức những người con.

Bà Lê Thi (sinh năm 1926), quê ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên), nhưng bà sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình trí thức có 8 anh chị em, ở 98 Hàng Bông. Cha của bà là một nhà giáo nổi tiếng: Hiệu trưởng Trường Bưởi, liệt sĩ Dương Quảng Hàm.

Lê Thi là bí danh của người con cách mạng. Tên trong giấy tờ của bà là Dương Thị Thoa. Cô Thoa chính thức tham gia cách mạng đầu tháng 8/1945 và được giao nhiệm vụ làm cán bộ Hội phụ nữ Hoàn Kiếm với nhiệm vụ đi vận động phụ nữ góp tiền, của để gửi cho cách mạng. Cách ngày 2/9/1945 khoảng hơn 1 tuần, bà nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề, nghiêm trang để chờ đến ngày trọng đại.

Quãng thời gian đó, bà cùng mọi người vừa vui mừng, vừa hồi hộp. Ngày 2/9/1945, mặc dù, chiều mới đến giờ tập trung, nhưng từ sáng, bà đã cùng mọi người có mặt tại phố Hàng Bông, khoảng gần 100 người.

Sau đó, đi bộ qua Cửa Nam xuống đường Điện Biên Phủ để tiến vào Quảng trường Ba Đình. Trong ký ức của nhân chứng lịch sử Lê Thi, tại buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 diễn ra ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đoàn phụ nữ quận Hoàn Kiếm được đứng hàng đầu, vì đoàn của bà đến sớm hơn. Bà bất ngờ được nhận nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc. Bà Lê Thi được chọn đại diện cho nữ sinh lên kéo cờ cùng bà Đàm Thị Loan đại diện cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

“Mẹ tôi từng nói đã nhiều lần được giao nhiệm vụ kéo cờ tại trường Đồng Khánh. Vậy mà khi được lựa chọn, bà thấy lòng vô cùng lo lắng, lo lắng vì sợ mình không làm nổi, nhỡ có điều gì sơ suất thì không biết xử lý như thế nào trong một ngày trọng đại. Từ lo lắng, bà càng quyết tâm thực hiện thật tốt niềm vinh dự đặc biệt được chọn là người kéo ngọn cờ độc lập trong thời khắc lịch sử trọng đại ấy”, anh Quốc kể lại.

Niềm tự hào của những người con

Với gia đình bà Lê Thi, mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cả gia đình lại trào dâng niềm tự hào.

Anh Quốc chia sẻ: “Mỗi năm vào dịp này, các cơ quan, ban, ngành, các phóng viên báo chí lại đến thăm hỏi mẹ tôi, lại tìm về những ký ức của mẹ, lại nhắc đến bà như một nhân vật lịch sử. Nó đã trở thành một truyền thống trong gia đình. Gia đình vẫn thường chọn một ngày trong dịp này để quây quần quanh bà. Với con cháu, đây là dịp để ôn lại bài học lịch sử về Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh”.

Chú thích ảnh
Gia đình bà Lê Thi vẫn thường chọn một ngày trong dịp đầu Thu để quây quần. Ảnh: NVCC.

Sau ngày độc lập, bà Lê Thi hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, bà được bầu làm Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, làm Phó Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Vĩnh Phúc… Năm 1947, bà Thi được cấp trên giao nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc bây giờ). Đến năm 1949 bà được giao làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang. Đến năm 1956, khi hoà bình lập lại, bà được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, rồi đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau. Sau đó, bà Lê Thi được cấp trên điều về công tác tại Hà Nội rồi tham gia nghiên cứu, giảng dạy và giữ chức Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam, rồi Viện trưởng Viện Gia đình và giới, đến năm 2000 bà về nghỉ hưu ở tuổi 73.

Có mặt tại triển lãm “Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử” diễn ra ở Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, anh Quốc tâm sự, gia đình anh vô cùng xúc động khi đi xem triển lãm. Tại triển lãm, những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) có rất nhiều hiện vật quý giá, từ bản Tuyên ngôn Độc lập mà Bác Hồ đọc, những cái kèn từ ngày được sử dụng trong buổi lễ. Bên cạnh những tư liệu, hiện vật quý, triển lãm còn giới thiệu nhiều câu chuyện về những con người xuất hiện, gắn bó với giờ phút lịch sử 75 năm trước. Trong đó có câu chuyện về bà Lê Thi đặt trong lòng một chuỗi sự kiện mang nhiều ý nghĩa.

“Con cháu trong gia đình luôn tự hào khi câu chuyện về mẹ luôn được nhắc đến mỗi khi tôi gặp một người bạn mới, một đồng nghiệp mới. Mọi người có thể không biết mình nhưng đều nhớ tới và được liên kết với nhau qua câu chuyện lịch sử mà mẹ mình là một nhân chứng. Trong gia đình, từ ông bà cho đến thế hệ mình luôn giáo dục cho con cháu điều quan trọng nhất là sự yêu thương hòa thuận. Và giữ vững lòng hiếu thuận, sự hòa thuận cũng là cách mỗi thành viên tự hào về quá khứ, về lịch sử gia đình mình” - anh Lê Minh Quốc nhẹ nhàng kết thúc câu chuyện về mẹ.

Câu chuyện về một người phụ nữ mà lịch sử đã lựa chọn cho một khoảnh khắc thiêng liêng của dân tộc.

Khi bài báo hoàn thành, chúng tôi nhận được tin buồn từ gia đình GS Lê Thi. GS Lê Thi, người tham gia kéo cờ trong lễ Độc lập của dân tộc ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử đã qua đời ngày 28/8/2020, hưởng thọ 94 tuổi. Toàn thể cán bộ, phóng viên báo Tin tức xin thành kính chia buồn cùng gia đình bà!
Lê Sơn/Báo Tin tức
Quảng trường Ba Đình, nơi thiêng liêng ghi dấu ngày Quốc khánh của Việt Nam
Quảng trường Ba Đình, nơi thiêng liêng ghi dấu ngày Quốc khánh của Việt Nam

Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) là nơi lưu giữ nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, vào ngày 2/9/1945, tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN