Người lao động các tỉnh phía Nam 'ngóng' thưởng Tết 2025

Dù kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam vẫn công bố mức thưởng Tết bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Chú thích ảnh
Người lao động đi làm luôn mong doanh nghiệp chăm lo đầy đủ lương thưởng Tết.

Yên tâm làm việc

Càng gần cuối năm, người lao động càng trông chờ vào các khoản thưởng Tết, đặt kỳ vọng lớn vào dịp này. Dù nhiều hay ít, đây cũng là nguồn động lực giúp người lao động gắn bó với công ty.

Chị Hồ Thu Hà, công nhân may tại Khu chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức chia sẻ, do phải thuê nhà, hai vợ chồng chị phải tiết kiệm mới đủ chi phí sinh hoạt. Khi con ốm, họ thậm chí còn phải vay mượn thêm. Vì vậy, gia đình chị rất trông đợi khoản thưởng Tết.

“Năm ngoái, vợ chồng tôi được thưởng một tháng thu nhập, tổng cộng khoảng 30 triệu đồng. Năm nay, ban giám đốc cũng thông báo sẽ giữ mức thưởng như năm trước, điều này khiến chúng tôi yên tâm làm việc hơn”, chị Thu Hà nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trần Kiều Oanh, Giám đốc nhân sự Sài Gòn Food cho biết, các chỉ số kinh doanh năm nay khởi sắc với doanh số xuất khẩu tăng 17%, vượt kế hoạch lợi nhuận. Điều này giúp ban lãnh đạo quyết định thưởng một tháng lương 13 cho toàn thể nhân viên, với mức thưởng bình quân 11 triệu đồng/người, tăng 10% so với năm ngoái. Tổng số tiền thưởng và các hoạt động chăm lo Tết năm nay dự kiến lên đến 32 tỷ đồng, nhằm bảo đảm một cái Tết ấm áp cho hơn 2.000 lao động.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đa số thưởng Tết bằng 1 tháng lương thứ 13.

Ngoài khoản thưởng lương tháng 13, công ty còn có các phần thưởng hiệu quả và thâm niên, trong đó mức thưởng cao nhất lên đến 8,5 triệu đồng. Các hoạt động chăm lo Tết như tổ chức xe đưa công nhân về quê, tặng quà Tết, tổ chức tiệc tất niên đã tạo không khí rộn ràng đón xuân. Công ty cũng dành gần 100 triệu đồng lì xì đầu năm cho người lao động trở lại làm việc sau Tết.

Tương tự, công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam cũng chú trọng chăm lo Tết cho người lao động. Công ty dự kiến mức thưởng thâm niên trung bình 8 triệu đồng/người, cao nhất lên đến 20 triệu đồng. Ông Nguyễn Đắc Thời, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, ngoài tiền thưởng, công ty còn tổ chức các hoạt động văn nghệ, rút thăm trúng thưởng với phần quà giá trị như xe máy, tivi, điện thoại. Những chương trình này đã tạo không khí đón Tết ấm áp và vui tươi cho toàn thể công nhân.

Thưởng Tết bằng 1 tháng lương 

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, sau khi tổng hợp từ 1.570 doanh nghiệp với 310.444 lao động trên địa bàn cho thấy, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân đạt 12,7 triệu đồng/người, tăng 3,3% so với năm ngoái. Đối với Tết Dương lịch, mức thưởng bình quân là 3,4 triệu đồng/người, thấp hơn so với mức 4,7 triệu đồng/người của năm trước.

Trong số các doanh nghiệp gửi báo cáo, 737 doanh nghiệp (chiếm 47%) ngoài tiền thưởng Tết còn có các khoản hỗ trợ thiết thực như quà Tết, phiếu mua hàng, hỗ trợ vé xe, và lì xì đầu năm. Nhiều doanh nghiệp cũng tổ chức tất niên, thăm hỏi lao động gặp khó khăn và hỗ trợ đón Tết cho người không có điều kiện về quê.

Chú thích ảnh
Người lao động được doanh nghiệp tặng quà Tết là các mặt hàng thiết yếu, đồ gia dụng.

Thành phố dự kiến chi khoảng 975 tỷ đồng cho các hoạt động chăm lo Tết, trong đó ngân sách thành phố chiếm 908 tỷ đồng. Công đoàn các cấp dự kiến hỗ trợ mỗi đoàn viên 500.000 đồng, với tổng kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.

Là ngành có nhiều lao động đang chờ lương thưởng Tết, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành năm nay đạt mục tiêu, dự kiến đạt 45 tỷ USD. Qua ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng ổn định, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm khi tình hình cải thiện rõ rệt, sản xuất đạt kết quả khả quan. Đây được xem là tín hiệu tích cực nhất của ngành kể từ sau đợt dịch bùng phát. Dù phải chi nhiều hơn cho thưởng Tết, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra phấn khởi trước sự khởi sắc này.

"Đơn hàng tăng trưởng nhưng doanh nghiệp đang gặp vấn đề thiếu lao động. Do đó, các doanh nghiệp sẽ làm tốt nhất các chính sách lương, thưởng, phúc lợi để hỗ trợ cho những lao động gắn bó và thu hút nguồn nhân lực mới", ông Hồng nhấn mạnh.

Tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, so với năm ngoái, tình hình sản xuất của doanh nghiệp ở địa bàn đã ổn định, kèm theo sự gia tăng lương cơ bản và các khoản phụ cấp, giúp cải thiện mức thưởng Tết. Trong gần 1.700 doanh nghiệp có báo cáo, mức thưởng trung bình là 8,77 triệu đồng/người, tăng gần 29% so với năm ngoái. Mức thưởng cao nhất lên đến 375 triệu đồng, thuộc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người nghèo
Hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người nghèo

Ngày 17/12, Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 21/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN