Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng lưu ý, để phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, các Đảng đoàn, Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giảm nghèo.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo tính hợp lý, không làm mất đi cơ chế đặc thù có sự tham gia thực hiện của cộng đồng, phát huy vai trò của cấp xã trong việc đề xuất dự án đầu tư, nghiệm thu và giám sát. Các đơn vị có chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ về công tác tại vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương quan tâm bố trí vốn ngân sách Nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng các huyện nghèo; đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và người lao động trên địa bàn huyện nghèo. Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và người lao động trên địa bàn huyện nghèo nâng cao năng lực sản xuất, kiến thức, kỹ năng nghề, có việc làm bền vững, thu nhập và chỗ ở ổn định vượt lên mức sống tối thiểu; thực hiện hiệu quả cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người nghèo…
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững ở Sơn La đã có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của hộ nghèo, người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.
Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 21,66% (năm 2021) xuống còn 11,11%, bình quân giảm trên 3,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 21,34% (năm 2021) xuống còn 10,9%, bình quân giảm trên 3,4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra). Dự kiến đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 8,1% và có 4 huyện thoát nghèo (gồm: Bắc Yên, Mường La, Vân Hồ, Thuận Châu)…
Tuy nhiên, tỉnh vẫn gặp một số khó khăn khi thực hiện Nghị quyết như: Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao so với mặt bằng chung toàn quốc; việc triển khai các nội dung trọng tâm về giảm nghèo bền vững ở một số địa phương, cơ sở chưa đạt hiệu quả như mong muốn; việc lồng ghép nguồn lực giữa các chương trình, chính sách chưa hiệu quả...