Cuối cùng thì hồ chứa nước Đăk Uy, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Kon Tum cũng “thoát” cơn bão số 7. Hàng nghìn người dân ở huyện Đăk Hà và chính quyền các cấp cũng thở phào vì bão đã chuyển hướng. Tuy nhiên ẩn hoạ vẫn rình rập người dân nơi đây khi tất cả cố gắng của chính quyền và người dân cũng chỉ dừng lại ở việc gia cố tạm bợ.
Điều đáng nói là việc hồ chứa trên xuống cấp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra và phát hiện từ năm 2008. Sau đó Bộ cũng có chủ trương đầu tư, nâng cấp công trình… nhưng việc thi công lại rất nhỏ giọt.
Đập hồ chứa nước Đăk Uy. Ảnh Internet. |
Khi việc nâng cấp còn chưa làm thì đến tháng 9/2009 Kon Tum hứng chịu cơn bão lịch sử, hồ chứa trên đã thực sự đặt ở mức báo động.
Đến mùa mưa bão năm nay mặc dù không dám chủ động tích đầy nước nhưng vì mưa nhiều, lượng nước về lớn nên đến nay hồ Đăk Uy đã tích đầy nước. Nước lũ lại về quá nhanh khiến công trình bị đặt vào báo động đỏ khi tràn xả lũ bị xói dài gần cả trăm mét, rộng từ 10 -15m. Hàng nghìn mét khối đất đá, bê tông đều bị lũ cuốn. Nước dâng qua tràn cao gần cả mét.
Chính quyền phải huy động hàng trăm lượt người gia cố tạm để chống xói lở. Tỉnh Kon Tum đã phải xây dựng phương án dùng lực lượng quân đội để di dời dân nếu sự cố xảy ra. Trước khi bão về đích thân Chủ tịch UBND tỉnh cũng phải thị sát và trực tiếp chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ trên. “Thời gian tới nếu mưa lũ nhỏ thì không sao còn nếu lớn thì…” ông Cường lấp lửng khi nói về tính an toàn của đập trong mùa mưa này.
Từ khi có chủ trương đầu tư nâng cấp công trình đến nay sau 5 năm việc triển khai vẫn dậm chân tại chỗ. Việc đầu tư 141 tỷ đồng nâng cấp chỉ có ở...chủ trương.
Suốt 4 năm qua Bộ mới giải ngân được 37 tỷ đồng, “chưa đủ trả nợ cho hạng mục nâng đập đất” một lãnh đạo của Ban quản lý các công trình thuỷ lợi khẳng định. “Nếu giải ngân kiểu này thì 10 năm nữa cũng không thể hoàn thành việc sữa chữa nâng cấp công trình” ông Văn Tất Cường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói trong buổi họp báo ngay khi bão số 7 vừa tan.
Trong khi đó, trước tình huống cấp bách nhiều năm qua tỉnh Kon Tum và huyện Đăk Hà cùng chủ công trình là Ban quản lý các công trình thủy lợi Kon Tum đã nhiều lần kiến nghị và yêu cầu ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng…
Từ nay cho đến hết mùa mưa năm nay hàng nghìn hộ dân ở Đăk Hà vẫn cứ phải sống trong sợ hãi cho đến hết mùa. Còn lâu dài thì vẫn chưa có câu trả lời!
Hoàng Cao Nguyên