Ngộ độc thực phẩm năm 2017: Số vụ giảm nhưng số người chết tăng

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2017, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.869 người mắc, 3.700 người đi viện và 24 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 27 vụ, giảm 438 người mắc, nhưng số người tử vong tăng 12 người.

Khó phân biệt thực phẩm sạch và bẩn

Vệ sinh an toàn thực phẩm tại nước ta đang gây nhiều lo lắng cho người dân. Đặc biệt khi Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Mùa lễ hội năm cận kề. Lợi dụng thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, đưa các sản phẩm kém chất lượng ra thị trường.

Tọa đàm về cuộc chiến chống thực phẩm bẩn. Ảnh: H.V

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập từ quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp tổ chức ngày 18/1 tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, theo khảo sát của Hội, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá đắt hơn nhưng phải an toàn. Nhưng số tiền bỏ ra mua sản phẩm chuẩn hay không là cả vấn đề. Vì hiện nay, giữa người sản xuất và người tiêu dùng chưa “gặp” được nhau.

Còn theo ông Hồ Quang Thái, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả, thực trạng thực phẩm bẩn đang gây bức xúc dư luận. Nhất là khi đi chợ, siêu thị mua thực phẩm, người tiêu dùng băn khoăn không biết dùng loại thực phẩm nào. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường.

Theo ông Thái, hiện nay cơ sở để căn cứ xác định hàng giả là vô cùng khó khăn. Muốn xác định được hàng giả thì trên tay phải có hàng thật để so sánh và có đơn khởi kiện của doanh nghiệp, thì cơ quan quản lý mới có cơ sở để xử lý. Chưa kể hành lang pháp lý chưa đủ mạnh.

Về vấn đề thực phẩm bẩn, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, vấn đề an toàn thực phẩm là một trong hai vấn đề đang được giám sát Quốc gia. Bộ Y tế là một trong những đơn vị tham gia vào đoàn giám sát các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt là cơ sở giết mổ (lợn, gà, bò…).

Theo bà Nga, qua thực tế kiểm tra cho thấy, nếu an toàn thực phẩm vẫn còn những cơ sở nhỏ lẻ, thì việc không an toàn vẫn còn tiếp tục xảy ra. Một số địa phương đã làm được bước đầu về ô nhiễm môi trường, nhưng an toàn thực phẩm thì chưa. Vấn đề an toàn thực phẩm ngoài bản thân trách nhiệm người sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc, nếu không có địa phương vào cuộc thì không thể giám sát được.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) cho biết, đấu tranh với các hành vi sai phạm trong ATTP còn nhiều gian nan, kéo dài. Bởi các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong khi đó, người dân chưa mặn mà với việc phòng chống vi phạm ATTP, bởi cho rằng đó là việc của cơ quan chức năng và sợ gặp rắc rối. Thực tế nhiều người đã phó thác niềm tin cho người bán hàng.

Còn theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VCCI), Quốc hội đã có chương trình giám sát về an toàn thực phẩm. Đây dược coi là 1 trong 10 sự kiện nổi bật trong năm 2017. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung thêm một số nội dung liên quan quan đến việc có nhiều hành vi vi phạm an toàn thực phẩm được hình sự hóa.

Truy suất nguồn gốc

Theo Bộ Y tế, trong năm 2017, cả nước đã thành lập trên 23.400 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP). Các đoàn này tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở. Kết quả đã phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, xử lý 32.579 cơ sở, trong đó 19.208 cơ sở bị phạt trên 61 tỷ đồng, 611 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, trên 5.000 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm.

Tọa đàm về cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.

Góp ý về quản lý thực phẩm, ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ cho rằng, muốn chống thực phẩm bẩn phải truy suất được nguồn gốc. Việc quản lý hóa chất cũng đang có vấn đề nên người nông dân đang lạm dụng hóa chất trong sản xuất.

Do vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, cần tạo lập chuỗi và quan tâm kiểm soát quá trình từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến lưu thông sản phẩm trên thị trường. Kiểm soát được chuỗi thì chúng ta có thể có cơ sở để truy xuất nguồn gốc.

Không ít các vụ ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong đã xảy ra. Trước thực trạng thực phẩm bẩn còn nhức nhối, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh ATTP đã thành lập 6 đoàn liên ngành để thanh kiểm tra tại 12 địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng sẽ thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra.

Cục ATTP cũng cho biết, trong thời gian tới, các Đoàn liên ngành sẽ tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào những mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như bánh kẹo, thịt, bia rượu, nước giải khát,… Đồng thời, tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, để hoạt động này đi vào thực chất.

VCCI khuyến cáo, thực phẩm bẩn vẫn lộng hành và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho người tiêu dùng nhất là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, để bảo vệ mình và cộng đồng, người tiêu dùng cần lên tiếng, tố cáo những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm.
 
H.V/Báo Tin tức
Dự báo nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2018
Dự báo nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2018

Tết Nguyên đán 2018, dự báo nguồn cung thịt lợn, gia súc, gia cầm dồi dào. Tuy nhiên, lượng rau xanh có thể thiếu hụt cục bộ nếu thời tiết giá lạnh, sương muối bất thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN