Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã cho rằng sau vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Việt Nam, nghiệp đoàn nghề cá cần khởi kiện tàu các Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Mới đây, một tàu các của ngư dân Đà Nẵng bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm, quan điểm của ông về vụ việc này như thế nào, thưa ông?
Đây là việc làm vô nhân đạo của tàu cá Trung Quốc. Các hiệp hội, đặc biệt là nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam cần đứng ra bảo vệ ngư dân, trong đó nghiệp đoàn nghề cá tại Quảng Nam- Đà Nẵng đứng ra khởi kiện, lên án hành động phi nhân tính của tàu Trung Quốc. Theo pháp luật quốc tế, khi gặp một người bị nạn phải cứu chữa, nay thấy tàu cá bị chìm, ngư dân bơi trên biển mặc nhiên bỏ đi. Đây là hành động vi phạm đạo đức, truyền thống và cả luật pháp quốc tế. Tôi cho rằng, nghiệp đoàn nghề cá đứng ra khởi kiện tàu cá Trung Quốc để Trung Quốc thấy được sai trái này.
Vậy trong tình hình căng thẳng hiện nay, chúng ta cần có biện pháp hỗ trợ ngư dân ra sao để bám biển Trường Sa?
Ngư trường Trường Sa là ngư trường lớn cho ngư dân miền trung trong đó có Khánh Hòa. Rất mừng là ngay tại ngư trường Trường Sa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá và bắt đầu nuôi một số loại cá chim, cá bớp thành công và hỗ trợ ngư dân. Trong thời gian qua, ngư dân Khánh Hòa vẫn bám biển. Sự hợp tác và tạo điều kiện giữa các nghiệp đoàn miền Trung đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Đây là phong trào tốt, được ngư dân ủng hộ và ngư dân Khánh Hòa mong muốn nghiệp đoàn nghề cá đại là đại diện cho ngư dân, kể cả khi gặp sự cố khi bị tàu nước ngoài tấn công thì nghiệp đoàn nghề cá là đơn vị đứng lên khởi kiện. Có như vậy, ngư dân tin tưởng và trở thành thành viên tích cực nghiệp đoàn nghề cá.
Hiện Chính phủ đang dự thảo Nghị quyết hỗ trợ lãi suất vay 3% cho ngư dân, theo ông đã đáp ứng nguyện vọng của ngư dân?
Chủ trương hỗ trợ lãi suất 3% cho ngư dân đóng tàu sắt là đúng đắn. Rút kinh nghiệm chương trình hỗ trợ nông nghiệp và cả chương trình đắt bắt xa bờ nên khi giao cho Bộ ngành triển khai cần làm bài bản, tránh trường hợp làm phong trào.
Ngư dân được tàu sắt ra khơi là bước đầu tiên, nhưng lớn hơn là các dịch vụ hậu cần nghề cá để quá trình bám biển dài hơn và ngư dân được sơ chế bán ngay trên biển để giảm bớt chi phí và thấy có lợi khi đánh bắt hải sản.
Tại Khánh Hòa có truyền thống đóng tàu gỗ nhưng tàu gỗ cũng mất 2-3 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ này để đóng tàu sắt để đi đánh bắt ngư trường ở xa. Tuy nhiên, các thủ tục cho người dân phải gọn nhẹ, như dự thảo quy định của Chính Phủ là lấy thân tàu để làm thế chấp nhưng tôi cũng lo ngại việc ngư dân khó tiếp cận vốn. Hiện khâu yếu là hậu cần nghề cá nên ngư dân phải đi bị tăng chi phí do không có kho ướp lạnh nên phải đi vào trong bờ thường xuyên và gây tốn kém cho chuyến đi biển của ngư dân.
Thực tế, trước đây Chính phủ có hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân đánh bắt nhưng giờ thực hiện chương trình hỗ trợ vốn với lãi suất 3% thì đây là chương trình rất thuận lợi cho ngư dân. Khi tiếp cận nguồn vốn này cần các cơ quan nhà nước, hiệp hội, đặc biệt hội nghề cá tư vấn đóng tàu như thế nào, ra khơi ra làm sao để mang lại hiệu quả.
Xin cám ơn ông!
Xuân Minh (thực hiện)