Nghệ An: Ứng trực phòng, chống cháy rừng 24/24 giờ

Tỉnh Nghệ An đang triển khai đồng bộ các giải pháp trong phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Cháy rừng tại xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Nguyễn Oanh/TTXVN

Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, chính quyền địa phương trong việc rà soát, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể để tổ chức kiểm tra khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy; chú trọng thực hiện phương án bảo vệ diện tích rừng gắn với khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh...

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng; bố trí điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu rừng có nguy cơ cháy cao.

Khi cháy rừng xảy ra, lãnh đạo địa phương phải có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy. Đối với diện tích rừng gần khu dân cư, kho tàng, khi xảy ra cháy phải có phương án sẵn sàng, chủ động di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bà con.

Tại Nghệ An, mùa nắng nóng, hạn hán thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Vào mùa này, nhiều khu vực rừng trong tỉnh nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, có thể xảy ra cháy rừng vào bất cứ thời điểm nào.

Thống kê của chính quyền các địa phương, trong tổng số diện tích rừng hiện có của tỉnh, diện tích rừng dễ cháy chiếm khoảng 2/3 gồm rừng tre nứa, rừng phục hồi sau nương rẫy, trảng cỏ, bụi cây, rừng thông…Những diện tích rừng này thường phân bổ ở địa bàn phức tạp, xa trung tâm xã, huyện, khó triển khai chữa cháy khi cháy rừng xảy ra.

Vào mùa nắng nóng các năm trước đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, gây thiệt hại lớn.

Hiện nay, cùng với cấp bách triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tại một số địa phương trong tỉnh đang nhân rộng mô hình hay, hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đơn cử như việc xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng đa dạng, hiệu quả, phù hợp đặc thù từng địa phương, địa bàn, gắn với việc duy trì các tổ, đội quần chúng phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở. Thực hiện mô hình này, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 1.900 tổ, đội với trên 22.000 thành viên tham gia, được tập huấn kiến thức, nghiệp vụ và trang bị công cụ phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Công điện chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
Công điện chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 441/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN