Đây là nội dung cuộc tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 7/9, tại Cần Thơ nhằm lấy ý kiến đóng góp xây dựng văn bản cụ thể hóa Điều 5 trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp Người làm báo Việt Nam, làm cơ sở để Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam các cấp tham chiếu khi xử lý vi phạm.
Dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện Hội Nhà báo, Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của 23 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng: Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc phát triển nhanh chóng của mạng xã hội là nhu cầu tất yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và đời sống tinh thần của mọi người. Mạng xã hội hỗ trợ thông tin cho các cơ quan báo chí song cũng tác động tiêu cực đến báo chí và đời sống, an ninh trật tự an toàn xã hội...
Theo ông Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, mạng xã hội đã thật sự trở thành một yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, trở thành một nguồn tin cho cơ quan báo chí.
Nhiều cơ quan báo chí (đặc biệt báo điện tử) đã sử dụng mạng xã hội và trang fanpage để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Các nhà báo sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin, coi đây là nguồn cung cấp tin, bài cho đọc giả và cũng là nguồn cung cấp chủ đề mới, thu hút bạn đọc. Tuy nhiên, mạng xã hội có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí.
Thực tế thời gian qua trên mạng xã hội đã tồn tại nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, kiểm soát nhưng lại được nhiều người chia sẻ, hưởng ứng, trong đó có những nhà báo. Những thông tin như vậy đã gây hệ lụy không nhỏ đến sự ổn định trong xã hội.
Vì vậy, việc cụ thể hóa các tiêu chí "chuẩn mực" và "trách nhiệm" của nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác là cần thiết nhằm giúp những người làm báo có nhận thức đúng đắn, góp phần định hướng dư luận xã hội, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân...
Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Cần Thơ là địa phương nằm ở trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có rất nhiều cơ quan báo chí đóng trên địa bàn. Thời gian qua, các cơ quan báo chí ở Cần Thơ đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, một số thông tin trên mạng xã hội, báo điện tử đã thông tin chưa chính xác về một số vụ việc trên địa bàn, vừa gây khó khăn lớn sự phát triển vừa làm mất ổn định an ninh quốc phòng của thành phố...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam đề ra những tiêu chí, giải pháp để xác lập rõ hơn nữa về đạo đức nghề nghiệp, chức năng nhiệm vụ của người làm báo với tinh thần là phục vụ chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, ổn định chính trị của đất nước và các địa phương.
Các nhà báo và cơ quan báo chí cần tăng cường đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch, không đúng sự thật của các thông tin trên mạng xã hội; định hướng thông tin cho dư luận xã hội để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề "Nhà báo và mạng xã hội" là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi việc sử dụng mạng xã hội đang phát triển, đặt ra nhiều vấn đề.
Theo ông Trần Trọng Dũng, sau khi cụ thể hóa nội dung của Điều 5, Quy định đạo đức nghề nghiệp Người làm báo Việt Nam, việc vận dụng thực hiện xử lý vi phạm cần có hướng dẫn thống nhất từ Hội Nhà báo Việt Nam; đồng thời cần xác định cụ thể tính chất, mức độ sai phạm để áp dụng các hình thức xử lý phù hợp. Việc xử lý vi phạm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội cần phân biệt tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả, ý thức chủ quan... của người đó.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề liên quan đến phạm trù đạo đức nên hướng chủ đạo theo ông Trần Trọng Dũng chủ yếu là khuyến cáo, lưu ý, nhắc nhở để giáo dục, phòng ngừa, uốn nắn là chính. Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp và sử dụng mạng xã hội, vì vậy việc cụ thể hóa Điều 5 Quy định đạo đức nghề nghiệp Người làm báo Việt Nam cũng cần phù hợp với Bộ Quy tắc ứng xử của Bộ Thông tin và Truyền thông.