Bước qua năm thứ 6, con số này đã tăng lên hơn 300 lần, với hơn 150.000 học sinh, nâng tổng số học sinh tham gia cuộc thi tới nay lên hơn 450 nghìn em. Con số ấn tượng này chứng tỏ sức lan tỏa, ý nghĩa và chất lượng thực sự của chương trình.
Từ ý tưởng, tới khả năng phụng sự xã hội
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống, giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) trở thành chìa khóa giúp thế hệ trẻ phát triển tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Cuộc thi Solve for Tomorrow do Samsung tổ chức chính là một sân chơi tiêu biểu, một mảnh đất ươm mầm tài năng, khi các ý tưởng sáng tạo ban đầu được hỗ trợ và phát triển thành những sản phẩm công nghệ có giá trị thực tiễn cao.
Với mục đích đưa sáng tạo công nghệ góp phần thúc đẩy an toàn vệ sinh thực phẩm, nhóm C3T3, với giải pháp “Ứng dụng kiến thức khoa học và các đặc điểm của thực vật trong việc tạo ra màu sắc, hương, vị nước giải khát an toàn” của đơn vị Trường THCS Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), đã đạt giải Nhất của Solve for Tomorrow năm 2019.
Hay trong bối cảnh toàn cầu bị càn quét bởi trận dịch họa COVID-19, thì ý tưởng “Máy tái chế khẩu trang thành sản phẩm nhựa” của nhóm The Eco Warriors, đã giành chiến thắng thuyết phục tại Solve for Tomorrow 2021. Đây là một ý tưởng rất cấp thiết, tiếp tục "vòng đời" của khẩu trang đã qua sử dụng, dưới diện mạo mới là những sản phẩm nhựa quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày, đạt mục tiêu kép là giảm thiểu rác thải và có thể tái sử dụng.
Có những dự án nhân văn lại xuất phát từ chính những trăn trở về vấn đề sức khỏe của người thân của những “nhà khoa học mang đồng phục học sinh” thuộc Mindful Medical Brand, nhóm đến từ trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Sản phẩm của nhóm là một "Hộp y tế thông minh ứng dụng nền tảng IOT và hệ thống phần mềm quản lý", cho phép người dùng đo những chỉ số sức khỏe của mình bao gồm nhiệt độ trên da, nhịp tim, lượng oxy trong máu, huyết áp và cả khả năng đếm giọt cho những bệnh nhân đang trong quá trình truyền dịch. Ý tưởng để phát triển dự án này cũng mang đầy tính nhân văn.
Em Tô Hữu Phát - thành viên phụ trách thiết kế của nhóm chia sẻ: "Vào một vài năm trước, có một người bác của em không may bị đột quỵ. Sau một vài tháng ở lại bệnh viện thì bác em cũng đã có thể trở về nhà, nhưng vẫn cần sự theo dõi và chăm sóc đặc biệt từ nhân viên y tế. Nguyên nhân của sự việc không may này là bác em bị bệnh cao huyết áp, nhưng không được phát hiện và điều trị từ sớm."
Dự án của nhóm được đánh giá cao về tính thực tiễn khi ứng dụng được nhiều loại cảm biến đo sức khỏe vào một sản phẩm duy nhất, bên cạnh đó xây dựng được một giao diện phần mềm theo dõi trực quan, do đó đã xuất sắc đạt quán quân năm 2023 bảng THPT.
Còn dự án “Ứng dụng công nghệ thông minh nhân giống và nuôi các loài côn trùng quý hiếm” của đội Small Warriors (Trường Phổ thông Nội trú Him Lam, Hậu Giang) lại gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo năm 2024 không chỉ bởi tính sáng tạo, mà còn vì khả năng ứng dụng thực tiễn cao và tiềm năng phát triển lớn. Dự án này nghiên cứu và phát triển giải pháp công nghệ IoT, AI và Chatbot để có thể bảo tồn đồng thời cà cuống và bù niễng, những loài côn trùng quý đang có dấu hiệu suy giảm, nhằm khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế từ giống loài này vừa giảm thiểu rác thải sinh học.
Sau 6 tháng thực nghiệm, dự án đã cho kết quả rất đáng ghi nhận. Sản phẩm này đáp ứng cả ba tiêu chí về kinh tế, xã hội, và môi trường. Về lợi ích kinh tế, giải pháp giúp tăng hiệu suất nuôi lên 3 lần, đạt tỷ suất lợi nhuận lên tới 27%. Mô hình chăn nuôi côn trùng thông minh của Small Warriors không chỉ mang lại hiệu quả vượt trội mà còn giảm đáng kể chi phí về thời gian và sức lao động, chỉ bằng 1/3 so với phương pháp truyền thống. Dự án cũng tiêu tốn ít tài nguyên nước và đất hơn so với chăn nuôi gia súc, góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện mục tiêu Netzero năm 2050 của Việt Nam.
Sân chơi tư duy sáng tạo uơm mầm tài năng công nghệ trẻ
Khi tham gia chương trình, các em không chỉ được đào tạo về các kiến thức cốt lõi về STEM, mà còn được trang bị các kỹ năng cần thiết khác như tư duy thiết kế (design thinking) và các kỹ năng mềm.
Với việc học tư duy thiết kế, các em học được cách giải quyết vấn đề một cách rõ ràng hơn bằng việc nghiên cứu quan điểm của chính người dùng sản phẩm, ứng dụng thực tế, phương pháp thực hiện để tìm ra chiến lược và giải pháp tối ưu cho dự án của mình. Em Lê Đặng Kim Ngân (Trường THPT Bến Tre) chia sẻ “Tham gia khóa học Tư duy thiết kế của Solve for Tomorrow đã giúp em rất nhiều trong việc học tập và rèn luyện bản thân. Em đã học được cách tư duy logic, sáng tạo và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả".
Những kỹ năng mềm như thuyết trình trước đám đông, làm việc nhóm, quản lý thời gian và quản lý dự án... giúp các em rất nhiều trong quá trình lập, triển khai và bảo vệ dự án của mình trước ban giám khảo.
Đặc biệt hơn nữa, các em còn được trang bị kiến thức về kinh doanh và khởi nghiệp – những kiến thức này của học sinh, sinh viên Việt Nam bị đánh giá là còn thiếu và yếu so với các nước, như nhận xét của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HSSV lần thứ 6. Việc được trang bị những kiến thức nền tảng về kinh doanh sẽ giúp dự án của các em không chỉ tồn tại trong giới hạn trong cuộc thi này mà trong tương lai sẽ có nhiều khả năng “sống” và mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.
"Dự án của C3T3, The Eco Warriors, Mindful Medical Brand hay Small Warriors chỉ là một vài ví dụ trong số hơn 7.400 ý tưởng sáng tạo của các em học sinh tham giam cuộc thi Solve for Tomorrow cho tới nay. Samsung Việt Nam rất hy vọng với đóng góp nhỏ bé của mình, Solve for Tomorrow sẽ là một khu vườn ươm nhỏ, ươm mầm cho những ý tưởng sáng tạo này. Để từ khu vườn đó, những ý tưởng sẽ được vun trồng khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S cũng như vươn ra trường quốc tế, trở thành những tán cây khỏe mạnh, cung cấp hoa thơm và trái ngọt công nghệ cho cuộc sống", đại diện Samsung chia sẻ.