Theo ghi nhận từ ứng dụng cảnh báo ngập nước và triều cường UDI Maps của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cơn mưa xuất hiện vào khoảng 17 giờ, cùng lúc tại nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố. Mưa nặng hạt nhất vào khoảng 18 giờ, đến hơn 19 giờ mới bắt đầu ngớt.
Cơn mưa kéo dài đã khiến hàng loạt tuyến đường trên địa bàn các Quận 3, 7, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân và các huyện vùng ven như huyện Bình Chánh, Nhà Bè… xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, các phương tiện di chuyển khó khăn trên đường.
Trên đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình), nước ngập gần nửa bánh xe ô tô, nhiều người dân phải dựng xe máy lên vỉa hè chờ nước rút bớt rồi mới di chuyển tiếp để bảo đảm an toàn. Một số người cố vượt qua “biển” nước ngập khiến xe chết máy, phải dắt bộ trong đêm. Nhiều điểm nước chảy nhanh tạo thành sóng nước khiến nhiều người dân bị trượt té ngã ra lòng đường. Hai bên đường, nhiều hộ dân phải khóa cửa, rào chắn để tránh nước tràn vào nhà. Một số cơ sở kinh doanh, cửa hiệu cắt tóc, nhà hàng ăn uống… phải đóng cửa nghỉ sớm khi thấy nước ngập ngày càng cao.
Tại Quốc lộ 50 (đoạn thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), nước ngập gần 3/4 bánh xe mô tô trên quãng đường hàng trăm mét, hàng loạt phương tiện nối đua nhau nhích từng chút để vượt dòng nước ngập. Người đi bộ phải đi sát vào nhà dân để tránh sập "bẫy" hố ga trên đường. Nhiều người nóng lòng thoát ngập đã quay đầu xe tìm hướng đi khác khiến dòng xe từ nhiều phía xung đột nhau trên đoạn đường này, dẫn đến giao thông tắc nghẽn, hàng chục phương tiện “kẹt cứng” trên đường.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (ngụ Khu dân cư Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cho biết, chị đang trên đường đưa con trai đi học về, bỗng thấy trời đen kịt, sau đó là mưa lớn kèm dông trút xuống. Mưa trên diện rộng nên chỉ sau khoảng 10 phút, hàng loạt tuyến đường lớn, nhỏ bị ngập sâu, gió mạnh khiến nhiều người đi đường ngã nhào. Chị Ngọc phải dùng hết lực để vững tay lái vượt qua đoạn đường ngập lụt để đưa con về đến nhà an toàn.
Chị Ngọc chia sẻ: Chị vẫn còn một con trai lớn tự đi học bằng xe đạp hiện vẫn chưa về đến nhà, không biết cháu có dựng xe trú mưa ở nơi nào đó hay vẫn cố vượt nước ngập để về nhà. Chứng kiến nhiều người đi đường bị ngã do sóng nước và gió mạnh, chị rất lo cho con mình. Khu vực khu dân cư Bình Hưng và nhiều đoạn đường quanh nơi chị sống hễ mưa là ngập từ nhiều năm nay. Chị rất mong cơ quan chức năng có biện pháp giảm ngập để không phải nơm nớp lo lắng cho người thân trong gia đình mỗi khi mưa nữa.
Tại nhiều tuyến đường ở quận Gò Vấp như Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Khối, người dân bì bõm dắt xe chết máy qua dòng nước ngập. Theo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Sở Xây dựng), các tuyến đường trên thường xuyên xảy ra ngập trong mùa mưa năm nay dù khu vực này có địa hình khá cao. Nguyên nhân ngập do hệ thống cống xây dựng đã lâu, khẩu độ nhỏ, mặt đường trũng cục bộ nên mỗi khi mưa lớn nước thoát chậm. Một số vị trí cống thoát nước ra, cửa xả bị xây dựng lấn chiếm hoặc miệng cống bị bít kín bởi rác thải sinh hoạt do người dân xả ra.
Ông Nguyễn Ngọc Minh Phú, Phó Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, để giải quyết triệt để tình hình ngập nước do mưa, giải pháp cấp bách là tăng cường nạo vét cống, cải tạo các miệng thu nước. Đồng thời, các đơn vị vệ sinh môi trường và chính bản thân mỗi người dân phải giữ vệ sinh, không xả rác xung quanh khu vực miệng cống thoát nước; thường xuyên vớt rác ở miệng thu nước trước, trong và sau mưa; kiểm tra các cửa xả đảm bảo thông thoáng. Về giải pháp căn cơ, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên địa bàn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh đang vào giữa mùa mưa, hiện tượng mưa lớn sẽ diễn ra thường xuyên hơn, chủ yếu là vào chiều tối. Dự báo chiều tối 20/9, khu vực Nam Bộ sẽ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 10 - 30 mm, có nơi trên 50 mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh gây khó khăn cho người tham gia giao thông, thậm chí có thể gây nguy hiểm. Người dân cần đặc biệt đề phòng, tránh ra đường khi mưa lớn nếu không cần thiết. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.