Một tháng nay, ngày nào gia đình ông Nguyễn Văn Liệu, thôn Lộc Hà, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cũng phải đi mua từng can nước về sử dụng. Được lắp đặt đường ống nước, đồng hồ nước từ lâu nhưng nước thì lúc có lúc không, khiến cho việc sinh hoạt của 7 nhân khẩu trong gia đình rất bất tiện.
Ông Nguyễn Văn Liệu (thôn Lộc Hà, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) mở van từ đồng hồ nước nhưng không có giọt nước nào chảy qua.
|
Ông phải đặt một chum đựng nước ngầm xuống đất, sát ngay đồng hồ nước để hứng nước máy chảy qua nhưng cả tháng nay không có giọt nước nào.
Ông Liệu cho biết: Bà con bây giờ không có nước uống, tắm rửa sinh hoạt nên ngày nào cũng phải 2 lần đi mua nước. Chỉ có mấy nhà gần đường ống chính mới có nước. Họ bán 1.000 đồng mỗi can nước, mọi người tự chở thùng 20 lít đến bơm nước vào rồi trả tiền. Cả xóm hơn 100 hộ, hộ nào cũng ra đó mua nước.
Thôn Lộc Hà nằm xa Nhà máy nước Phước Thuận, phía cuối đường ống nên vào mùa cao điểm, khu vực này thường xuyên bị hết nước. Hàng nghìn người dân ở thôn Lộc Hà, thôn Đông An, thôn Nhơn Ân, thôn Thuận Thái phải đi mua nước về sử dụng. Theo chính quyền địa phương Nhà máy nước sạch xã Phước Thuận không đủ công suất cung cấp nước cho người dân.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2004, nhà máy có công suất 900m3/ngày đêm, đủ cung cấp cho 2.500 hộ dân nhưng hiện giờ nhà máy đang phải cung cấp cho 3.845 hộ dân. Ông Phạm Thế Khoa - Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết thêm: Ngày trước, khi khảo sát lắp đặt đường ống nước sạch số hộ đăng ký rất ít, sau này số lượng sử dụng thực tế lại tăng đột biến. Cộng với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nước giếng khô hạn nên nhu cầu sử dụng nước của người dân càng nhiều, dẫn đến cung không đủ cầu. Để khắc phục thì kinh phí quá lớn nên xã đề nghị huyện quan tâm, lập dự án nâng cấp nhà máy nước, đường ống nước.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hoàng – Trưởng ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Tuy Phước cho biết: Những năm qua, Ban đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm “giảm nhiệt” cho vùng cuối đường cấp nước.
Năm 2017, Ban đã tham mưu cho huyện di dời đường ống, nối nước từ nhà máy nước xã Phước Sơn sang thôn Lập Hà, giải quyết vấn đề thiếu nước cho khoảng 400 hộ dân. Đồng thời, Ban đã khảo sát, khoan thêm 2 giếng phục vụ Nhà máy nước Phước Thuận, với lưu lượng 20m3/giờ, nâng từ 1 bơm lên thành 2 bơm. Nhưng do thời tiết quá khắc nghiệt, số hộ dân tăng nhanh nên tình trạng thiếu nước vào mùa hè vẫn tồn tại.
Trước mắt, Ban Quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường huyện Tuy Phước sẽ điều tiết nước theo từng vùng, thực hiện cấp nước luân phiên cho từng xã, từng thôn để đảm bảo nước về được khắp các địa phương và thông báo giờ cấp nước cụ thể cho người dân.
Về lâu dài, Ban đã đề nghị UBND huyện Tuy Phước lập dự án nâng công suất Nhà máy nước Phước Thuận từ 900m3/ngày đêm lên 2.000 - 2.500m3/ngày đêm. Đầu năm 2018, UBND huyện Tuy Phước đã có kế hoạch đầu tư 200 triệu để khảo sát, lập dự án này.