Mở tuyến xe buýt chất lượng cao đến sân bay Nội Bài

UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý đề xuất của Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) về việc mở tuyến xe buýt chất lượng cao từ trung tâm thành phố với sân bay Nội Bài, dự kiến đưa vào hoạt động từ dịp lễ 30/4 tới.

Ngoài dịch vụ xe buýt của Transerco, một số doanh nghiệp vận tải khác cũng đã đề xuất mở các tuyến xe khách ra sân bay Nội Bài như tuyến hồ Hoàng Cầu - vành đai 2 - Nội Bài; bến xe Nước Ngầm - vành đai 3 - Nội Bài.

Với lộ trình ga Hà Nội - hồ Hoàn Kiếm - sân bay Nội Bài chỉ có 8 điểm dừng đỗ, với giá vé 30.000 đồng/lượt, tuyến buýt chất lượng cao này hứa hẹn sẽ thu hút hành khách bởi sự thuận lợi, giá phải chăng.

Tuyến buýt đi theo lộ trình từ ga Hà Nội - Trần Hưng Đạo - Dã Tượng - Lý Thường Kiệt - Hàng Bài - Bờ Hồ - Trần Nguyên Hãn - Trần Quang Khải - Điểm trung chuyển Long Biên - Yên Phụ - Nghi Tàm - Âu Cơ - Cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Nhà ga nội địa T1 (sảnh tầng 2 ga đi) - đường Võ Nguyên Giáp - nhà ga quốc tế T2 (sảnh tầng 2 ga đi).

Chiều về từ nhà ga T2 - nhà ga nội địa T1 - Võ Nguyên Giáp - Cầu Nhật Tân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - điểm trung chuyển Long Biên - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Tràng Tiền - Lê Thánh Tông - Hai Bà Trưng - Ngô Quyền - Lý Thường Kiệt - Lê Duẩn - Ga Hà Nội.

Để phù hợp với điều kiện thường phải mang vác hành lý, thời gian dừng đón khách tại các điểm dừng trên tuyến khoảng 1-2 phút, nhiều hơn so với các tuyến buýt thông thường. Phương tiện có thiết kế vị trí để hành lý cho hành khách đi sân bay.

Các điểm dừng trên tuyến được lắp đặt nhà chờ, có bảng Led thông tin giờ xe đến điểm dừng. Thời gian mở bến của xe buýt tại ga Hà Nội là 5h10, đóng bến vào 22h30. Tại sân bay Nội Bài mở bến lúc 6h30 và đóng bến vào 23h30. Quãng đường 30,5 km sẽ có thời gian lưu thông khoảng 50-55 phút mỗi lượt. Dự kiến, sẽ có 80-94 lượt xe chạy mỗi ngày với giá vé 30.000 đồng/lượt/hành khách.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Transerco, thực tế nhóm đối tượng hành khách có nhu cầu đi máy bay số lượng sử dụng xe buýt rất thấp do các tuyến trợ giá và không chuyên chở hành lý, hàng hóa và thường xuyên dừng đón trả khách kéo dài thời gian đi lại trên tuyến, vị trí tiếp cận xa nhà ga.

Trong khi đó, xe hợp đồng hoạt động lộ trình cố định không có dừng, đỗ đón trả khách tùy tiện, gây mất an toàn giao thông... Việc tổ chức tuyến xe buýt chất lượng cao, có lộ trình, điểm đón/trả khách cố định, sàn xe thông thoáng, khoảng cách các ghế rộng rãi phù hợp với đặc trưng hành khách có hàng hóa, valy đi sân bay và ngược lại sẽ được hành khách lựa chọn.

Tuyến buýt chất lượng cao hạn chế đi qua các tuyến đường có mật độ phương tiện cao nên có thể đảm bảo thời gian lưu thông. Đây sẽ là tuyến buýt với dịch vụ cao cấp nhất ở thủ đô và không có trợ giá của nhà nước.

Tuyết Mai (TTXVN)
Trợ giá xe buýt phải đến được với người dân
Trợ giá xe buýt phải đến được với người dân

Từ năm 2002 đến nay, mỗi năm ngân sách TP Hồ Chí Minh phải chi hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt. Thế nhưng, hiệu quả lại không được như mong đợi, kéo theo đó lượng hành khách đi xe buýt liên tục giảm mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN