Lỗi do ổ cứng lưu trữ
Về nguyên nhân thu phí ETC bị lỗi, lãnh đạo VETC thừa nhận do lỗi ổ cứng trên thiết bị lưu trữ.
Theo Chủ tịch HĐQT VETC Nguyễn Danh Hiếu, sự cố xảy ra vào lúc 9 giờ 15 phút - 11 giờ 45 phút ngày 22/1 trên các tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và các tuyến khác đều bị lỗi bao gồm cả xe dán thẻ VETC và thẻ Epass. Số lượng xe bị sự cố trên các tuyến khác nhau theo lưu lượng tại từng tuyến.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, VETC đã lập tức huy động mọi nguồn lực với ưu tiên cao nhất, tiến hành phối hợp với nhà đầu tư BOO2, nhà đầu tư các tuyến cao tốc và các bên liên quan để điều tra nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục. Sau 15 phút, sự cố được khắc phục hoàn toàn tại trung tâm trong sáng 22/1.
"Nhân viên tại trạm thu phí phải căn cứ vào biển số xe để xác định thông tin đầu vào dẫn tới việc mất nhiều thời gian hơn tại đầu ra. Tất cả các phương tiện nêu trên đều được xử lý tại đầu ra của tuyến cao tốc", ông Nguyễn Danh Hiếu cho hay.
Trao đổi hướng xử lý khắc phúc, lãnh đạo VETC cho hay, cùng với quá trình xử lý khiếu nại và khắc phục sự cố, VETC đang tiến hành các biện pháp phòng ngừa, rà soát cấu hình hệ thống và nhân lực vận hành, đảm bảo ứng trực 24/24 giờ, đảm bảo đáp ứng lưu lượng tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022; đồng thời, cam kết thực hiện các biện pháp phòng ngừa đồng bộ, tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống và nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quá tình vận hành thu phí ETC ổn định.
Còn theo đại diện Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (Epass), sự cố xảy ra tại các tuyến cao tốc khi các phương tiện dán thẻ Epass đi qua trạm hiện đã được doanh nghiệp kiểm tra hệ thống và đang hoạt động ổn định.
Trước đó, sáng 22/1, có hơn 350 xe ô tô dán thẻ thu phí ETC bị lỗi tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Bắc Giang. Các xe bị lỗi bao gồm cả xe dán thẻ ePass và thẻ VETC.
Kịp thời chấn chỉnh nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN, ngay sau khi ghi nhận sự cố, Tổng cục đã yêu cầu VETC huy động mọi nguồn lực với ưu tiên cao nhất, phối hợp với Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam, nhà đầu tư các tuyến cao tốc và các bên liên quan xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời.
Với các xe bị lỗi nêu trên, nhân viên vận hành tại trạm thu phí đã căn cứ vào biển số xe để xác định thông tin thu phí, tất cả phương tiện bị lỗi đã được các nhà cung cấp dịch vụ thu phí phối hợp xử lý tại đầu ra của tuyến. VETC sau đó đã cam kết hạn chế tối đa các lỗi tương tự, tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống và nâng cao chất lượng dịch vụ; đảm bảo thông tin kịp thời, nhanh chóng đến nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT và chủ phương tiện khi xảy ra sự cố.
Qua tìm hiểu, số lượng phương tiện dán thẻ thu phí ETC phát triển được trong năm 2021 ngang bằng với con số của toàn bộ thị trường Việt Nam trong giai đoạn 5 năm trước. Nhờ đó, tỷ lệ phương tiện có dán thẻ thu phí tự động tại Việt Nam đã tăng từ 25% lên gần 50%. Hiện nay, hệ thống thẻ đã giúp làm giảm thời gian xử lý giao dịch giảm 3 lần so với trước đây, từ 0,6 giây xuống 0,2 giây. Hệ thống có tỷ lệ nhận dạng biển số xe là 99,8%; tỷ lệ nhận dạng thẻ đầu cuối đạt 98,48%.
So với hình thức thu phí một dừng, thời gian vận chuyển của khách hàng qua trạm giảm đến 60 lần, góp phần giảm thiểu ùn tắc trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ. Hệ thống thu phí ETC giai đoạn II theo hình thức hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO) được chính thức khai trương và đưa vào vận hành ngày 29/12/2020.