Không xử được vụ kiện nợ BHXH do chưa đồng bộ giữa các luật

Tại buổi tọa đàm “Gỡ vướng trốn đóng bảo hiểm xã hội” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 8/5, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, vẫn chưa xử được vụ kiện nợ bảo hiểm xã hội (BHXH)nào, do sự không đồng bộ giữa các luật.

Tư vấn mua bảo hiểm xã hội tại Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Xuân Cường

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, theo quy định tại điều 14 của Luật BHXH, chức năng khởi kiện được giao cho tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, điều này không đồng bộ với Luật tố tụng dân sự, bởi việc khởi kiện nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội phải do công đoàn cơ sở và được người lao động ủy quyền. Điều này sẽ rất khó thực hiện, bởi rất ít người lao động và chủ tịch công đoàn cơ sở chịu ký vào đơn kiện chủ sử dụng lao động đang trả lương.


Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “97% chủ tịch công đoàn cơ sở là kiêm nhiệm, nhiều nơi do chủ sử dụng lao động trả lương. Do đó, trong số 77 hồ sơ công đoàn kiện doanh nghiệp ra tòa, thì có 17 hồ sơ bị trả lại chủ yếu với lý do không có giấy ủy quyền của người lao động. Do đó, để gỡ vướng, giải pháp hiện nay Tổng Liên đoàn lao động, BHXH Việt Nam đề xuất là sửa luật BHXH, trong đó ghi rõ giao cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện”.


Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết quý I/2017, tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 14.019 tỷ đồng (bằng 4,95% so với kế hoạch giao thu), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nợ BHXH là 10.001 tỷ đồng. Tình trạng nợ BHXH diễn ra ở tất cả loại hình kinh tế, nhưng tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. “Do vướng trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH là một trong những nguyên nhân khiến số nợ BHXH gia tăng”, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.


Tính đến hết quý I/2017, có một số doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài như: Công ty cổ phần xe khách Phương Trang nợ 28,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Nam Phương nợ 20,9 tỷ đồng (Thành phố Hồ Chí Minh); Công ty CP Lilama 3 (Hà Nội) 25,4 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội) 19 tỷ đồng; Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Hà Nội) 18,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần xây dựng 47 (Bình Định) 15,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vietbo (Đồng Nai) 19,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Inox HB (Hưng Yên) 14,2 tỷ đồng…


Trước khi việc khởi kiện chuyển giao cho tổ chức công đoàn theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, có hiệu lực từ 1/1/2016; BHXH Việt Nam đã khởi kiện 8.840 vụ tương ứng với số tiền doanh nghiệp nợ gần 6.000 tỷ đồng. Tổng số vụ Tòa án đã xét xử: 3.986 vụ, tương ứng số tiền thu về quỹ BHXH gần 980 tỷ đồng, chiếm 16,3% trên số nợ khởi kiện; riêng năm 2015 cơ quan BHXH đã khởi kiện gần 3.500 vụ và đã thu về hơn 800 tỷ đồng tiền nợ BHXH.


XC/Báo Tin Tức
Bệnh nghề nghiệp nào được bảo hiểm xã hội chi trả?
Bệnh nghề nghiệp nào được bảo hiểm xã hội chi trả?

Bạn đọc báo Tin Tức có hỏi: Hiện nay, có bao nhiêu bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH)? Chế độ khám, chăm sóc với người mắc bệnh nghề nghiệp ra sao?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN