Kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là khu vực cách ly
Trước bối cảnh dịch Corona vẫn diễn biến phức tạp, việc phòng chống, cách ly hiệu quả và khống chế dịch đang là nhiệm vụ hàng đầu của các bệnh viện trong cả nước và của đội ngũ y bác sĩ trực tiếp tham gia chữa bệnh.
Bệnh nhân thứ 15 của nước ta được công bố trong ngày 11/2 là bé gái N. G. L, sinh ngày 5/11/2019, tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 28/1, bệnh nhân N. G. L được mẹ đưa đến nhà bà P. T. B (bà ngoại) chơi và hai mẹ con ở cùng nhà bà ngoại trong 4 ngày tại thôn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi xác định bệnh nhân P. T. B (bà ngoại) bị mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành điều tra lập danh sách người tiếp xúc gần trong đó có cháu N. G. L và mẹ cháu.
Trong quá trình theo dõi người tiếp xúc gần hàng ngày theo quy định, y tế cơ sở phát hiện ngày 6/2, cháu N. G. L có biểu hiện ho và chảy nước mũi, không rõ sốt. Ngay sau đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Hiện tại, bệnh nhân N. G. L và mẹ đang được cách ly cùng nhau (vì bệnh nhân còn nhỏ) tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và đang trong tình trạng ổn định. Mẹ bệnh nhân hiện vẫn khoẻ mạnh, đang được theo dõi chặt chẽ, được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả.
Trong tổng số 15 người bị nhiễm bệnh của nước ta, riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 10 trường hợp. Mặc dù tại các địa phương phát hiện các ca bệnh, ngành Y tế và chính quyền địa phương đã tiến hành cách ly, theo dõi, giám sát chặt chẽ những người có tiếp xúc gần với những bệnh nhân, nhưng có thể thấy, chỉ cần sơ sẩy, tình trạng lây lân dịch bệnh sẽ khó kiểm soát.
Để từng bước hạn chế, tiến tới không chế dịch bệnh, ngày 11/2, tại Hà Nội, Phó GS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Corona đã chủ trì cuộc họp Hội đồng chuyên môn, cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch.
Phó GS, TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, bệnh dịch Corona là bệnh truyền nhiễm nhóm A và lây truyền từ người sang người. Do đó, kiểm soát nhiễm khuẩn là nhiệm vụ hàng đầu để không lây nhiễm chéo trong bệnh viện (giữa người bệnh - người bệnh; giữa người bệnh - thầy thuốc; giữa người bệnh, thầy thuốc - cộng đồng).
Hiện trong số 15 bệnh nhân tại Việt Nam có đủ nam - nữ, đủ lứa tuổi: Người cao tuổi có nhiều bệnh nền, trung niên, thanh niên, vị thành niên, trẻ nhỏ; có cả người có đủ triệu chứng lâm sàng và cả có người dương tính với nCoV nhưng không có biểu hiện sốt, ho, khó thở…
Vì vậy, theo Phó GS, TS Lương Ngọc Khuê, các bệnh viện cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên hàng đầu đến công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Hội đồng chuyên môn cũng đã cập nhật và thống nhất lại 5 nội dung về đường lây truyền virus; việc sử dụng khẩu trang y tế; khuyến cáo rửa tay, dung dịch rửa tay tiêu chuẩn; việc khử khuẩn môi trường; hóa chất khử khuẩn tỷ lệ, nồng độ; việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân…
Sự hy sinh thầm lặng của các “chiến sĩ” áo trắng
Nhằm động viên kịp thời các bác sĩ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Corona, ngày 11/2, Bộ Y tế trao bằng khen cho 4 tập thể và 3 cá nhân thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có thành tích trong việc đón 30 công dân Việt Nam từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc về nước an toàn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương cần chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, nêu cao tinh thần quyết tâm, tạo điều kiện thu dung mọi bệnh nhân bị nhiễm virus về bệnh viện, đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, làm tốt công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới để cùng ứng phó với dịch bệnh.
Xúc động trước sự hy sinh thầm lặng của các đồng nghiệp trong trận chiến với Corona, bác sĩ Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) chia sẻ: “Trong chuyến bay chở 30 công dân từ Vũ Hán trở về Việt Nam sáng 10/2, không ai biết có 3 đồng nghiệp của chúng tôi tháp tùng đoàn để chăm lo sức khỏe cho những người có mặt trên chuyến bay. Qua báo đài, thấy nhiều hình ảnh của các phi công và tiếp viên trong khoang máy bay, mà không thấy hình ảnh của các đồng nghiệp cũng chạnh lòng".
“Giờ đây, giống như 30 công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch, các đồng nghiệp cũng đang tạm bị cách ly, đề phòng nếu các bác sĩ đi từ vùng dịch trở về có thể tiếp xúc với nguồn bệnh, để 14 ngày sau không có vấn đề gì, họ mới được về với gia đình, về với bệnh viện công tác. Trong cuộc sống, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?. Hành động của những “chiến sĩ áo trắng" đã hy sinh thầm lặng, dấn thân vì nghề nghiệp, không ngại vất vả, hiểm nguy, vì sức khỏe cộng đồng. Đáng cảm phục, đáng tôn vinh!”, bác sĩ Nguyễn Đình Anh nói.