Trước "cơn sốt” khẩu trang y tế, ngành Y tế đã khuyến cáo người dân có thể dùng khẩu trang vải thay thế, không nhất thiết phải là khẩu trang y tế dùng 1 lần để phòng dịch. Ông Đặng Quang Tấn, Quyền Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: “Không chỉ có khẩu trang y tế mới có thể phòng, chống được virus nCoV, mà các loại khẩu trang vải thông thường cũng có tác dụng. Sau mỗi lần sử dụng xong, chỉ cần giặt sạch bằng xà phòng, phơi khô".
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, chị Nguyễn Thị Oanh, Chủ cửa hàng gia dụng phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) cho biết: “Những ngày này, người dân mua khẩu trang vải gia tăng. Cửa hàng đã bán được 1.000 chiếc khẩu trang vải thông thường chỉ trong vòng 4 ngày, với giá bán 10.000 đồng/chiếc. Giá này vẫn giữ nguyên như trước".
Còn theo chủ cửa hàng Cây Nấm Nhỏ trên phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội), chị Nguyễn Thanh Huyền, từ trước tới nay, cửa hàng vẫn bán chạy mặt hàng khẩu trang vải, mặc dù cửa hàng có bán cả khẩu trang y tế. Sản phẩm khẩu trang vải của cửa hàng được nhập từ miền Nam và là hàng Việt Nam, không phải hàng Trung Quốc. Kiểu dáng, chất liệu dày dặn, đảm bảo sử dụng dễ chịu...
Tuy nhiên, chị Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ, nếu dịch nCoV kéo dài, thì các cơ sở may khẩu trang vải sẽ tăng giá; đồng nghĩa giá bán sẽ bị tăng.
Qua tìm hiểu, nhiều người tiêu dùng cho biết, thay vì khẩu trang y tế dùng một lần vứt đi tốn kém, thì khẩu trang vải dày dặn, dùng được bền lâu. Chỉ có điều, khi dùng khẩu trang vải thông thường cần phải giặt thường xuyên mới đảm bảo vệ sinh.
Trước tình trạng khan hiếm hàng về khẩu trang y tế, không ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tăng cường gia công sản xuất khẩu trang vải. Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các công ty thành viên đang đẩy mạnh sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn và vải không dệt kháng khuẩn, để may khẩu trang phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vinatex, việc đáp ứng ngay nhu cầu trong nước và xuất khẩu sẽ cần thời gian để doanh nghiệp sắp xếp dây chuyền và triển khai công nghệ, do khẩu trang không phải mặt hàng sản xuất thường xuyên.
Còn ông Đào Đình Khoa, Giám đốc Công ty CP Tanaphar cho biết, công ty đang sản xuất hai loại khẩu trang thường và khẩu trang tiệt trùng. Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Corona, công ty đã huy động tối đa công suất dây chuyền thiết bị và toàn bộ nhân lực làm việc 24/24 giờ/ngày để có thể sản xuất khoảng 50.0000 - 60.000 khẩu trang y tế/ngày.
Video chị Thanh Hương, công tác tại Điện lực Hai Bà Trưng chia sẻ: