Tại đó, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi là đơn vị chủ trì khai quật. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp một số đơn vị liên quan thành lập các tổ, ban và tiến hành khai quật trong vòng 30 ngày (hoặc kéo dài hơn tùy theo điều kiện) tại thôn Tuyết Diêm 3, cách bờ từ 6 - 7m, có độ sâu khoảng 9m (thuộc vùng biển Dung Quất).
Đơn vị khai quật sử dụng thợ lặn mang theo ống thổi loại nhỏ, máy quay phim, chụp ảnh xuống vị trí phát hiện; dùng định vị xác định vị trí chính xác của tàu đắm, tiến hành đo vẽ, chụp ảnh hiện trạng.
Bên cạnh đó, đơn vị khai quật cũng xác định phạm vi phân bố của tàu và hiện vật; khoanh vùng không chỉ riêng con tàu mà cả phạm vi rộng lớn xung quanh vì khi chìm, tàu có thể bị nghiêng hay lật, hiện vật sẽ đổ tràn ra xung quanh; thu thập tài liệu khoa học tại vị trí khai quật.
Trước đó, ngày 26 và 27/7/2017, trong quá trình nạo vét luồng lạch làm cảng nước sâu và tạo bãi để xây dựng cảng tại vùng biển Dung Quất, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hào Hưng Quảng Ngãi đã phát hiện nhiều mảnh gốm sứ, mảnh gỗ nhỏ theo ống hút chảy tràn ra bãi.
Qua khảo sát sơ bộ phát hiện xác tàu cổ dài từ 20 - 30m, mạn tàu đã phát lộ, trên thân tàu có nhiều chồng gốm. Vị trí phát hiện cách bờ từ 6 - 7m và nằm ở độ sâu 9m tại thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận.
Các chuyên gia nhận định, số hiện vật gốm sứ này thuộc thời nhà Minh, niên đại thế kỷ XVI, chìm dưới biển sâu 9m. Nhiều khả năng tàu chở cổ vật gốm sứ đi qua vùng biển Quảng Ngãi thì gặp nạn, đắm tại đây.