Kênh mương nội đồng Dự án ngọt hóa Gò Công bị sạt lở nghiêm trọng

Mùa khô 2020, tình trạng hạn hán nghiêm trọng và kéo dài khiến nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) bị thiếu nước bơm tát, kênh mương khô cạn đưa đến nhiều hệ lụy; rõ nhất là tình trạng sạt lở, sụt lún đất hai bên bờ các tuyến kênh mương nội đồng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, cần đầu tư kinh phí lớn để khắc phục.

Chú thích ảnh
Hai bên bờ kênh 14 bị sụt lún nghiêm trọng. 

Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp cho biết, toàn vùng hiện ghi nhận hơn 100 điểm sạt lở trên chiều dài 11.822 m, gây thiệt hại về nhà ở, vật kiến trúc của 45 hộ dân. Để khắc phục, đòi hỏi nguồn kinh phí ước tính lên đến 45 tỷ đồng. Trong đó, nặng nhất là tuyến kênh 14 đoạn chạy qua địa phận xã Long Bình, huyện Gò Công Tây. Một đoạn bờ kênh cả phía Bắc và phía Nam dài gần 500m bị sụt lún nghiêm trọng. Nhiều đoạn sạt lở làm mất gần hết mặt đường, đe dọa an toàn giao thông.

Theo ông Nguyễn Văn An, nhà cặp kênh 14, xã Long Bình, đây là lần đầu tiên, bờ kênh tại địa phương bị sạt lở nghiêm trọng như thế, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại, cản trở giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa nhân dân. Trong những ngày tới, khi mùa mưa bắt đầu, hiện tượng sụt lún còn tiếp diễn nếu không có giải pháp xử lý kịp thời.

Không chỉ sụt lún bờ kênh, con đường Hưng Hòa (xã Long Bình, huyện Gò Công Tây) kết nối giao thương giữa xã Long Bình với khu vực các xã phía Tây huyện Gò Công Tây: Long Vĩnh, Vĩnh Hựu… chạy men theo bờ Bắc kênh 14 cũng chịu chung số phận. Chỉ trên một đoạn ngắn chưa đầy 1 km, phía Tây cầu kênh 14, đã có đến ba điểm sạt lở nghiêm trọng khiến 2/3 mặt đường bị lở xuống kênh 14, việc đi lại rất nguy hiểm nên địa phương phải cắm bảng cảnh báo và hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông trên con đường này.

Trước đó, trên đường tỉnh 873 đoạn qua xã Bình Xuân, thị xã Gò Công bất ngờ bị sạt lở làm một đoạn đường dài hàng trăm mét đổ xuống sông Vàm Gié, cắt đứt giao thông qua tuyến đường này, may mà không có thiệt hại về người. Các ngành chức năng đang nỗ lực khắc phục.

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, trong mùa khô 2020, hạn hán và xâm nhập mặn phức tạp, diễn ra trên diện rộng. Đối với Dự án ngọt hóa Gò Công, do phải tập trung bơm nước phục vụ cho sản xuất, chống hạn cứu cây trồng, làm các tuyến kênh mương khô cạn trơ đáy, thiếu nước để tạo cân bằng áp lực chống sạt lở và sụt lún đất. Đây là một trong những nguyên nhân chính đưa đến tình trạng trên trong nội đồng vùng dự án.

Trước mắt, để giảm bớt tốc độ sạt lở, tại một số tuyến trọng điểm về sạt lở như kênh 14, ngành chức năng phải mở cống lấy một phần nước vào lòng kênh để cân bằng áp lực, hạn chế nguy cơ sạt lở tiếp tục. Nước này độ nhiễm mặn cao, không thể tưới tiêu phục vụ sản xuất được. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời để khắc phục hậu quả thiên tai trước mắt, về lâu dài, địa phương cần có những giải pháp ứng phó căn cơ theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo ổn định được sản xuất và đời sống nhân dân địa phương.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Kinh nghiệm giảm nhẹ thiên tai ở vùng ngọt hóa Gò Công
Kinh nghiệm giảm nhẹ thiên tai ở vùng ngọt hóa Gò Công

Gò Công Tây nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công, là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với vựa lúa, trái cây, rau màu cho tiêu dùng và xuất khẩu lớn của Tiền Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN