Đến ngày 24/10, trên địa bàn Hưng Yên có 144/151 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố đã công bố hết dịch; trong đó, 5 đơn vị cấp huyện có 100% các xã đã công bố hết dịch gồm: thị xã Mỹ Hào, thành phố Hưng Yên và các huyện Văn Giang, Phù Cừ, Yên Mỹ.
Theo đó, toàn tỉnh hiện chỉ còn 7 xã chưa công bố hết dịch; tuy nhiên, đã qua hơn 20 ngày các địa phương này không có lợn ốm, chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đó là các xã: Hồ Tùng Mậu (Ân Thi); Lương Bằng, Mai Động (Kim Động); Lệ Xá (Tiên Lữ); Đình Dù (Văn Lâm); Đông Tảo, Hồng Tiến (Khoái Châu).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết, tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh dịch còn lại; tổ chức họp đối với từng khu dân cư và giao trách nhiệm cho trưởng thôn, thú y xã rà soát, thống kê số hộ chăn nuôi, số đầu lợn từng loại trên địa bàn để quản lý, theo dõi; yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phải bám sát thực tế, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; quyết liệt triển khai các biện pháp khống chế để không còn dịch. Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học như: chuồng trại khép kín, xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường. Với các hộ, trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ xen kẹp trong khu dân cư, không bảo đảm an toàn bệnh dịch nên dừng chăn nuôi, chuyển đổi sang chăn nuôi con vật khác.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hưng Yên cho biết, các huyện, thị xã, thành phố cơ bản đã hỗ trợ xong đợt 1 cho các hộ có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh với số tiền trên 200 tỷ đồng.
Chi cục Thú y cũng đã cung ứng và triển khai tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn lợn gồm: tiêm phòng hơn 60.000 liều vắc xin lở mồm long móng; gần 140.000 liều vắc xin tai xanh ở lợn; chuẩn bị tiêm phòng vắc xin dịch tả và tụ huyết trùng cho đàn lợn.