Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: Tính đến hết tháng 3/2023, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 44.573/162.000 lao động, đạt 27,5% kế hoạch năm, tương đương cùng kỳ năm 2022.
Để đảm bảo giải quyết việc làm cho 162.000 lao động theo kế hoạch, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%, Sở LĐTBXH Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố.
Trong những năm qua, Sàn Giao dịch việc làm (GDVL) vệ tinh Mê Linh được thực hiện đã góp phần là cầu nối giới thiệu, tư vấn việc làm cho người lao động, giúp họ tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống.
“Đặc biệt, Sàn GDVL vệ tinh Mê Linh quan tâm tạo điều kiện tốt nhất kết nối việc làm cho các lao động yếu thế là người khuyết tật, hộ nghèo, các hộ gia đình trong diện giải phóng mặt bằng. Mê Linh cũng là điểm tiếp nhận và giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động trên địa bàn và các vùng lân cận”, ông Nguyễn Tây Nam cho biết.
Từ khi thành lập đến nay, Sàn GDVL vệ tinh Mê Linh đã tổ chức 661 phiên GDVL với tổng số 2.199 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn tuyển dụng; số lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp và kết nối online là 12.841 người; trong đó lao động đã trúng tuyển là 3.847 người.
Bên cạnh đó, việc tổ chức phiên GDVL lưu động cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, đặc biệt là để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn huyện và khu vực lân cận.
“Phiên lưu động không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động mà còn là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin thị trường lao động để từ đó học hỏi, trau dồi, trang bị thêm cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường, tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động”, ông Nguyễn Tây Nam khẳng định.
Nhờ giải quyết tốt công tác việc làm cũng đã góp phần giảm nghèo của huyện. Các chỉ tiêu về giảm nghèo năm 2022 của huyện đã giảm được 21 hộ nghèo. Đến nay, huyện Mê Linh chỉ còn 21 hộ nghèo, chiếm 0,03%; là huyện còn ít hộ nghèo nhất trong số 13 huyện, thị xã còn hộ nghèo.
Ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết: Huyện có dân số hơn 250.000 người, trong đó độ tuổi lao động khoảng 180.000 người; bình quân hàng năm có khoảng 2.500 đến 3.000 lao động trên địa bàn huyện có nhu cầu giải quyết việc làm. Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Quang Minh có hơn 500 doanh nghiệp với hơn 38.000 lao động. Bên cạnh đó, huyện Mê Linh giáp Khu công nghiệp Nội Bài (Sóc Sơn), Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh) đều là thị trường lao động lớn của doanh nghiệp và người lao động.
“Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện Mê Linh tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm cho người lao động như: Tiếp nhận thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân thông qua hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử của huyện, các trang fanpage cộng đồng, các bản tin chung của thôn, tổ dân phố…", ông Lê Văn Khương cho biết.
Cũng theo ông Lê Văn Khương, năm 2022, huyện Mê Linh đã tổ chức đào tạo 5 lớp với 175 học viên học nghề, năm 2023 dự kiến 8 lớp đào tạo nghề cho 280 học viên. Huyện chủ động, tư vấn, hướng nghiệp cho đối tượng học sinh và liên hệ với các trường trung cấp, cao đẳng để liên kết đào tạo nghề cho học sinh lớp 12… Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Năm 2022, huyện giải quyết việc làm cho 2.670 lao động và 3 tháng đầu năm 2023 giải quyết việc làm cho 906 lao động. Do đó, việc tổ chức phiên GDVL lưu động là đầu mối cung cấp, tư vấn thông tin cung - cầu lao động chính thống.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tham dự phiên GDVL lưu động huyện Mê Linh có sự góp mặt của 32 đơn vị đăng ký tham gia với tổng nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 1.292 chỉ tiêu, với đa dạng các vị trí, ngành nghề cùng mức lương hấp dẫn.
Phân tích nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại phiên GDVL huyện Mê Linh năm 2023 cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỉ lệ cao nhất với 42,4%; nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật chiếm tỷ lệ 18,1%. Điều này cho thấy mặc dù các công ty, nhà máy, nhà xưởng đặt tại khu, cụm công nghiệp của huyện thiếu hụt nhân công và nhưng tiêu chí tuyển dụng vẫn đề cao yếu tố năng lực và sự cống hiến lâu dài trong quá trình làm việc.
Bà Phan Thị Duyên, phòng nhân sự Công ty TNHH Elentec Việt Nam cho biết: Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí với các chế độ đãi ngộ tốt. Các vị trí đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng như trưởng dây chuyền sản xuất, nhân viện nhập dữ liệu data, lập trình, nhân việc kỹ thuật sửa khuôn, đúc nhựa…. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tuyển dụng lao động phù hợp.
“Với hơn 1.200 vị trí tuyển dụng, đây là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động lựa chọn những công việc, ngành nghề phù hợp với khả năng hiện có; các doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lao động tốt nhất đáp ứng nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.