Nếu dẹp bỏ được sự phân biệt "nghề thấp nghề cao" và lựa chọn học nghề lập nghiệp, bạn trẻ vẫn có nhiều cơ hội thu nhập cao và phát triển bản thân.
Dễ dàng có việc
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội mỗi năm tuyển sinh khoảng 4.000 chỉ tiêu thuộc các hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề ở các ngành nghề du lịch và khách sạn. Theo ông Đinh Văn Đáng, Hiệu trưởng trường này, học sinh sau khi tốt nghiệp được doanh nghiệp đón nhận rất cao. Ông Đáng cho biết, hiện nay những nghề như dịch vụ nhà hàng - khách sạn, đầu bếp... đang ngày càng đắt hàng. "Trong 1 khách sạn, nếu chỉ cần khoảng 5 lễ tân thì lại cần tới 20 nhân viên dịch vụ nhà hàng và 20 nhân viên dịch vụ buồng. Lương tùy thuộc vào năng lực và vị trí công tác, nhưng tối thiểu là 3 - 5 triệu đồng/tháng". Vì thế nên những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký học có xu hướng tăng.
Một trong những nghề đang được chuộng, "ra lò đến đâu, hết đến đó" là nghề hàn 6G. Để có được chứng chỉ nghề này, học viên học hết trung cấp nghề hàn ra, sẽ tiếp tục học thêm 6 tháng nữa, thi lấy chứng chỉ "hàn 6G". Công nhân hàn 6G lương từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Ở nước ta hiện nay, có 3 trường là trường Cao đẳng nghề dầu khí Vũng Tàu, Cao đẳng nghề Lilama 1 ở Ninh Bình và cao đẳng nghề Lilama 2 ở Đồng Nai là những cơ sở hàng đầu đào tạo và cấp chứng chỉ 6G.
Nếu có kiến thức tốt, kỹ năng thành thạo và thái độ ý thức trách nhiệm cao với công việc, học sinh trường nghề tốt nghiệp ra không khó kiếm việc làm. Nguyễn Hoài Lan Thanh, thí sinh đoạt giải Nhất nghề thiết kế đồ họa tại Hội thi Tay nghề quốc gia 2010 là sinh viên năm cuối của hệ cao đẳng, trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, lạc quan nói: "Các anh chị học cùng trường, cùng khoa các khóa trước, sau khi tốt nghiệp đều dễ dàng tìm việc nên em không lo thất nghiệp". Theo một thí sinh khác cũng đoạt giải Nhất nghề này, sau khi tốt nghiệp, nghề thiết kế đồ họa thường được trả lương cao và có nhiều cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Còn với Lương Minh Thơ, trường Cao đẳng nghề Công nghệ và nông lâm Đông Bắc, giải Nhất nghề mộc dân dụng thì: "Học nghề này ra, dễ có việc mà lại không phải xa quê".
Tìm việc làm với các học sinh trường nghề cũng ngày càng có nhiều thuận lợi. Bởi, hiện nay, việc các doanh nghiệp tìm đến liên hệ ký hợp đồng làm việc với sinh viên, kể cả khi sinh viên chưa tốt nghiệp đang dần phổ biến. Thêm vào đó, mỗi đợt tổ chức Hội thi tay nghề quốc gia, các doanh nghiệp được dự cũng là dịp tốt để học sinh tiếp cận được với nhà tuyển dụng, chủ động tìm việc ngay khi đang học.
Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo không những giúp cho học sinh rèn luyện kỹ năng nghề mà còn giúp các em được làm việc trong nhà máy như một công nhân thực thụ. Thậm chí, có doanh nghiệp còn trả lương cho học viên. Công ty Canon là một ví dụ. Công ty này mấy năm nay đều liên kết rất chặt chẽ với trường Cao đẳng nghề Việt Hàn ở Nghệ An, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội... nhận các em thực tập. Mỗi tháng, học viên được trả 2,5 triệu đồng.
Nếu ra trường, các bạn trẻ chưa có ý định đi làm ngay, vẫn có thể học cao lên để lấy bằng cấp khá hơn, vì hiện đã có quy định về đào tạo liên thông giữa sơ cấp - trung cấp - cao đẳng nghề. Tổng Cục Dạy nghề cho biết, sắp tới Bộ LĐ, TB & XH và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ký thông tư về việc liên thông cao đẳng - đại học.
Kiếm việc xuyên quốc gia
PGS - TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: Hiện nay, có nhiều nghề nhu cầu nguồn nhân lực lớn như: Cơ khí, điện điện tử, cơ điện tử, các ngành hẹp của lĩnh vực du lịch, thiết kế website, thiết kế trên máy vi tính... Đây cũng là những nghề trong danh mục 18 nghề được chọn thi ở Hội thi tay nghề ASEAN và thế giới mà Việt Nam đã tham gia từ năm 2001 đến nay...
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng cao giữa Việt Nam với khu vực và quốc tế, không thiếu cơ hội việc làm cho các bạn trẻ học nghề, thậm chí còn có cơ "xuất ngoại" kiếm việc xuyên quốc gia.
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội ngày càng có nhiều công ty xuất khẩu lao động trong lĩnh vực du lịch liên hệ với trường để tuyển người đưa sang làm việc có thời hạn ở các thị trường như: Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, một số nước châu Âu... Thông thường, thời hạn hợp đồng là 2 năm. Ông Đinh Văn Đáng, Hiệu trưởng trường, cho biết: "Các em sang những thị trường đó được đánh giá rất cao, nhiều trường hợp đã hết thời hạn hợp đồng mà chủ doanh nghiệp vẫn muốn người lao động ở lại".
Bên cạnh nghề dịch vụ, nhà hàng, nghề hàn 6G cũng là một nghề có thu nhập cao. Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, nếu sang Canađa, công nhân hàn 6G được trả lương 50 USD/giờ, lương từ 4.000 - 5.000 USD/tháng… Hiện nay, Nhật Bản đang đặt hàng một số lượng rất lớn các lập trình viên. Phía đối tác cam kết sẵn sàng trả lương cho người lao động không dưới 1.000 USD/tháng.
"Học nghề là một lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thực tiễn và của các nước trên thế giới. Các cơ quan, chính quyền, cơ sở doanh nghiệp cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn cho người học. Người học cần được cung cấp thông tin khách quan, để suy nghĩ và đưa ra quyết định chọn cho mình một nghề phù hợp", PGS - TS Cao Văn Sâm khẳng định.