Hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường là cần thiết

Trước thông tin đề nghị nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh, chiều ngày 3/10, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, nhất là trong công tác phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện cho học sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, để phát huy vai trò, nhiệm vụ của ban đại diện cha mẹ học sinh một cách tích cực và hiệu quả, nhà trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT.

Chú thích ảnh
Ban đại diện cha mẹ học sinh có tầm quan trọng trong công tác phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện học sinh. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Điều lệ cha mẹ học sinh có quy định về nhiệm vụ và quyền của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tại Điều 4, Chương II.

Về nhiệm vụ của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp như sau: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.

Đồng thời, tại Điều 10, Chương II của Thông tư về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh cũng quy định rõ nguồn kinh phí hoạt động và việc quản lý và sử dụng của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Điều lệ thể hiện rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học. Các khoản ủng hộ theo nguyên tắc tự nguyện.

Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Trước đó, tại hội nghị góp ý kế hoạch trường học bậc THPT năm học 2024 - 2025, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các trường không dùng ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động thu. Tuyệt đối không lợi dụng điều lệ trong Thông tư 55 để vận động tài trợ. Ban đại diện phụ huynh vận động kinh phí là để có kinh phí hoạt động phục vụ chính học sinh chứ không phải có kinh phí hoạt động cho trường.

Các hoạt động muốn làm cho nhà trường thì Hiệu trưởng cần áp dụng theo Thông tư 16 vận động tài trợ, có sự bàn bạc, trao đổi, thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Việc vận động chỉ để phục vụ sửa chữa nhỏ và các hoạt động giáo dục thiết thực cho học sinh.

Kế hoạch vận động phải được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phê duyệt trước khi nhà trường tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, khi xây dựng kế hoạch vận động thì nhà trường phải có mục tiêu rõ ràng, không xây dựng kế hoạch vận động tràn lan.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Gắn biển các công trình trường học chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô
Gắn biển các công trình trường học chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô

Sáng 3/10, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm tổ chức Lễ khánh thành, gắn biển công trình cấp thành phố, cấp huyện cho 3 trường học chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN