Cắt giảm, giãn việc làm
Tại TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây xuất hiện nhiều doanh nghiệp liên tục bị sụt đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm. Trầm trọng hơn, có doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy. Tình trạng trên khiến nhiều công nhân rơi vào cảnh mất việc, thất nghiệp.
Bà Trần Thị Giúp (sinh năm 1976, quê ở Đồng Tháp), công nhân của Công ty TNHH Tỷ Hùng, buồn rầu nói: “Tôi mất việc rồi cô ạ, gần 50 tuổi giờ chả biết xin làm việc gì, có lẽ phải về quê bám vào mảnh ruộng!”.
Đồng cảnh mất việc tại Công ty Tỷ Hùng, chị Ngô Thị Hồng Oanh (sinh năm 1984, quê ở Sóc Trăng) tay xách, nách mang một đống chai lọ, cho biết hai năm nay, công nhân không được tăng ca nên lương chỉ ở mức hơn 6 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thu nhập cũng chỉ được hơn 8 triệu đồng. Do vậy, hàng ngày chị Oanh phải kiếm thêm tiền bằng cách nhặt vỏ chai. “Chịu khó ngày cũng được hơn chục nghìn đồng, thêm đồng rau tí mắm”, chị Oanh bảo vậy.
Thông tin một số doanh nghiệp (DN) khó khăn đóng cửa, công nhân mất việc khiến chị Bùi Thị Dinh (32 tuổi, quê ở Bắc Ninh) cùng chồng làm việc ở Công ty TNHH Hungway (Khu chế xuất Tân Thuận) hoang mang. Hiện nay, thu nhập của 2 vợ chồng được hơn chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, gần đây đơn hàng của công ty sụt giảm nên không tăng ca, thậm chí một tuần nghỉ 3 - 4 ngày.
Hầu hết người lao động bị nghỉ việc cho biết, doanh nghiệp cắt giảm lao động vì đơn hàng sụt giảm mạnh. Trường hợp Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với 1.185/1.822 lao động đang làm việc từ đầu tháng 12 tới khiến rất nhiều công nhân lo lắng. Với họ, con đường phía trước dường như rất mù mịt, ở thành phố nếu không có việc làm thì xoay xở ra sao, mà về quê bám vào ruộng vườn giờ cũng khó khăn trăm bề.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhở và vừa Hà Nội: Việc sụt giảm đơn hàng cũng ảnh hưởng tới doanh nghiệp tại Hà Nội nhưng các doanh nghiệp thực hiện giãn thời gian làm việc, hạn chế cắt giảm lao động. Các doanh nghiệp cũng lập quỹ dự phòng hỗ trợ lức khó khăn.
Đồng cảnh ngộ, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) dự kiến cắt giảm gần 1.500 lao động do thiếu đơn hàng. Trong đó, số lao động bị cắt giảm sẽ là những công nhân có thời hạn 1 năm và sẽ hết hợp đồng cuối năm nay. Tương tự, từ nay đến cuối năm, Công ty TNHH An Giang Samho sẽ cắt giảm 5.300 lao động. Tình trạng DN cắt giảm lao động còn diễn ra ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai,...
Tăng cường kết nối việc làm
Ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: Công đoàn cơ sở đã thống kê được 51 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Con số này chưa phản ảnh đúng thực trạng, trên thực tế có thể nhiều hơn.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tổng hợp từ công đoàn các tỉnh, thành, ngành nghề đã ghi nhận 1.235 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động tại 44 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 646 doanh nghiệp dân doanh, chiếm 52,27%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 590 doanh nghiệp, chiếm 47,73%. Tình trạng này khiến trên 430.000 người lao động bị giảm giờ làm, hơn 41.000 người bị thôi việc, mất việc. Dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có khoảng gần 700 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của hơn 271.000 lao động và gần 90 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp trên 15.000 lao động… Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử…
Năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngừng việc tập thể là do người lao động trải qua thời gian vô cùng khó khăn, giảm sút thu nhập, tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh trong năm 2020, 2021; nhiều doanh nghiệp không tăng lương, thậm chí còn cắt giảm các khoản trợ cấp, phụ cấp, phúc lợi của người lao động; một số doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH của người lao động…
Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng vừa công bố báo cáo thị trường lao động 11 tháng năm 2022. Tại TP Hồ Chí Minh đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo cho gần 3.000 người lao động nghỉ việc trên tổng số 15.000 lao động (của 26 doanh nghiệp), chiếm gần 1/5 lao động. Một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm. Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (có khoảng 50.000 lao động làm việc) sẽ có 20.000 lao động thuộc khối sự nghiệp phải nghỉ việc luân phiên trong 3 tháng (từ ngày 1/12/2022 đến ngày 28/2/2023; Công ty TNHH Việt Nam Samho hoạt động trong lĩnh vực giày da (Củ Chi) dự kiến cắt giảm 1.400 lao động từ tháng 12/2022; Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) cũng thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 lao động từ ngày 1/12.
Tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Công ty TNHH gỗ Lee Fu đã cắt giảm gần 60% lao động- tương đương cắt giảm hơn 1.000 người; công ty TNHH Timber đang tạm hoãn hợp đồng làm việc với 853 lao động trong số 3.466 lao động...
Theo Cục Việc làm, nhìn chung, tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động như da dày, dệt may, đồ gỗ, điện tử... Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, các khách hàng chính của doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề dẫn đến việc không có đơn hàng sản xuất, doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì việc làm cho người lao động. Vì vậy, một số doanh nghiệp mặc dù không thực hiện cắt giảm lao động nhưng buộc phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, giãn việc hoặc dự kiến cho người lao động nghỉ Tết sớm và dài hơn mọi năm. Từ đó mà đời sống của người lao động hết sức khó khăn trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng cao.
Cục Việc làm dự báo, thời gian tới, người lao động sẽ đối mặt nhiều hơn với nguy cơ mất việc, giảm giờ làm. Lĩnh vực chịu nhiều rủi ro bao gồm chế biến lương thực, thực phẩm, y tế, du lịch… Địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đặc biệt là lao động làm việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, hiện nay, có những ngành thiếu hụt lao động, song vẫn còn nhiều ngành nghề đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng. Bên cạnh những doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, vẫn có những địa phương bị thiếu hụt lao động cục bộ.
Để ngăn ngừa thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, Cục Việc làm đề nghị thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động. Song song đó, bố trí nguồn lực để đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dự kiến kế hoạch năm 2023 là 3.000 tỷ đồng để thực hiện ngay trong năm 2022, đưa tổng kế hoạch giải ngân vốn của chương trình này lên 10.000 tỷ đồng.
Trên 430.000 người lao động bị giảm giờ làm, hơn 41.000 người bị thôi việc, mất việc. Dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có khoảng gần 700 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của hơn 271.000 lao động và gần 90 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp trên 15.000 lao động…