Hành trình trở về của người phụ nữ 28 năm bị lừa bán ra nước ngoài

Hai mươi tám năm bị lừa bán sang Trung Quốc, khi được trở về quê nhà, chị Nguyễn Thị Biên (sinh năm 1968), thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang không còn nhanh nhẹn, minh mẫn, tiếng Việt nói không sõi.

Chú thích ảnh
Sau nhiều năm lưu lạc, chị Nguyễn Thị Biên phải tập viết lại tiếng Việt để hòa nhập với cuộc sống. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

Để có thể tái hòa nhập cộng đồng, chị Biên cần sự giúp đỡ của người thân, gia đình và làng xóm. Trường hợp của chị Biên là lời cảnh tỉnh cho những người nhẹ dạ cả tin, bỏ đi lao động trái phép ở nước ngoài.

Nhẹ dạ, cả tin

Những ngày qua, căn nhà nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Nhòm, thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ luôn có người tới hỏi thăm tình hình, chúc mừng sự trở về của chị Biên. Biệt tăm từ ngày 2/10/1991, đến ngày 2/8/2019, chị Biên được một người dân đưa về UBND xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa để tìm người thân.

Chị Biên cho biết, học hết lớp 4, chị vừa làm ruộng, vừa tham gia trông trẻ tại thôn. Chị khá xinh gái nên nhiều người trong làng để ý, hỏi thăm. Thời gian đó, chị quen biết một người đàn ông tên Quang (đến giờ chị cũng không nhớ người đàn ông đó quê ở đâu). Sau nhiều lần trò chuyện, chị được người đàn ông đó nói là sang bên Trung Quốc làm ăn dễ, đi một thời gian kiếm tiền rồi về. Nhẹ dạ, cả tin, lại muốn kiếm tiền giúp đỡ gia đình nên khi người đàn ông đó hẹn gặp và rủ chị sang Trung Quốc, chị đi ngay mà không báo cho gia đình, người thân.

Sau khi qua biên giới, người đàn ông đó bán chị cho một người Trung Quốc rồi biệt tích. Chị Biên tiếp tục được đưa về một ngôi nhà của người Trung Quốc tại một vùng nông thôn. Không biết tiếng, không biết đường, dù rất muốn về nhà nhưng chị không biết làm thế nào nên đành cam chịu ở lại.

“Không thấy con trở về, gia đình tôi đã chạy đôn đáo, khắp nơi tìm kiếm, nhờ cả những người buôn bán trên Lạng Sơn, Trung Quốc hỏi thăm nhưng càng kiếm tìm càng không có tin tức. Lúc đó, gia đình cũng nghĩ là con bị lừa bán sang Trung Quốc, nhưng tìm kiếm mãi không thấy. Năm này qua năm khác, tin con vẫn im bặt, hi vọng cứ tắt dần. Gia đình đã nghĩ đến việc mất con vĩnh viễn" , ông Nguyễn Văn Nhòm chia sẻ.

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Biên (thứ 2 từ bên trái) kể lại những tháng ngày tại Trung Quốc. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

Cũng theo lời kể của chị Biên, khi mới đến, chị bị nhốt ở trong nhà, không cho ra ngoài. “Lúc đó nhớ nhà lắm, muốn về với gia đình, tôi khóc suốt nhưng họ ra hiệu nếu trốn về sẽ bị đánh chết. Vừa lạ lẫm, lại sợ sệt nên cũng không dám trốn, họ bảo gì thì làm nấy”, chị Biên nói.

Sau khoảng thời gian bị nhốt trong nhà, họ bắt đầu bắt chị làm việc. Công việc của chị là trồng lúa, trồng rau, ngô, làm nương rẫy. Ngoài thời gian làm việc, ăn cơm, chị bị nhốt trong nhà. 28 năm sinh sống bên đó nhưng rất ít lần chị được nghỉ ngơi, đi chơi, đi chợ. Không giao lưu, tiếp xúc với bất kỳ ai, dần dần chị quên tiếng Việt, thậm chí quên ngày tháng năm sinh của mình. Nhiều lúc nhớ nhà muốn về nhưng họ bảo cứ làm việc đi, rồi sẽ cho về, chị chờ mãi không thấy.

Chị Biên đã nghĩ  mình sẽ chết nơi đất khách quê người. May mắn, trong một lần Công an Trung Quốc đi kiểm tra, phát hiện chị là người Việt Nam, không có giấy tờ tùy thân nên đã bắt chị lại và nhốt 2 tuần trong tù. Sau đó, họ đưa chị lên biên giới giáp Lạng Sơn thả ra, rồi chỉ đường về Việt Nam.

Trong chuyến trở về lần này với chị có 7 phụ nữ Việt Nam quê ở Thái Nguyên, Hà Nội. Chị Biên kể: Công an Trung Quốc đưa chị cùng những người khác đến biên giới Trung Quốc và Việt Nam. Sau đó, các chị phải đi bộ đường rừng 10 km thì về đến Lạng Sơn. Lúc này, may mắn chị gặp anh Trần Văn Huỳnh là người xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang lên Lạng Sơn làm ăn. Quá trình hỏi thăm anh Huỳnh biết được chị Biên là người cùng quê bị lừa bán sang Trung Quốc nhiều năm nên đã thuê nhà trọ cho ở tạm. Dù nói tiếng Việt không rõ nhưng chị Biên vẫn nhớ tên bố mẹ, quê quán và bày tỏ mong muốn được trở về với gia đình. Sau đó anh Huỳnh đã chụp ảnh chị Biên đăng lên facebook để tìm người thân cho chị.  

Nhờ đó, người thân trong gia đình đã nhận ra chị và liên lạc với anh Huỳnh. Đến sáng 2/8/2019, anh Huỳnh đã đưa chị Biên về UBND xã Đông Lỗ để gặp mặt người thân.

Cần sự  hỗ trợ của cộng đồng

Cuộc gặp mặt sau 28 năm xa cách thật nghẹn ngào, xúc động. Nhìn con, người cha già năm nay đã 82 tuổi không giấu nổi những giọt nước mắt vừa hạnh phúc, vừa xót xa . . .

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Biên chăm sóc bố đẻ. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

Trở về quê nhà nhưng nay chị Biên đã không còn nhanh nhẹn, minh mẫn, tiếng Việt nói không sõi. Chị Nguyễn Thị Phương, chị gái chị Biên cho biết: Từ ngày về, hỏi chuyện gì Biên nói chuyện đấy nhưng nói không rõ.

Hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn, bố chị bị tai biến đã 4 năm nay. Chị Biên rất mong muốn tìm một công việc để làm nhưng không biết làm việc gì. Vì vậy, chị rất cần sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Trước mắt, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ tiền mặt để chị Biên mua sắm các vật dụng ban đầu. Sau đó, Hội chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ xã tạo điều kiện cho chị Biên tham gia tái hòa nhập cộng đồng bằng các hoạt động thiết thực. Các cấp Hội tìm hiểu về nhu cầu công việc để hướng dẫn và tìm việc phù hợp cho chị, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hiệp Hòa Ngô Thị Hồng Uyên cho biết.

Đồng Thúy (TTXVN)
60% số vụ buôn bán người là để lạm dụng tình dục
60% số vụ buôn bán người là để lạm dụng tình dục

Theo thống kê, năm 2016, tổng số nạn nhân trong các vụ buôn người 25.000 người, tăng hơn 10.000 người kể từ năm 2011. Báo cáo cũng cho thấy, buôn người để lạm dụng tình dục là phổ biến nhất, chiếm gần 60% trong tổng số vụ buôn người bị phát hiện trong năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN