Phượng được trồng ở các tuyến đường trên có đường kính khoảng 20 cm, dự kiến khoảng 1 năm sau sẽ ra tán, ra hoa, tạo cảnh quan cho Thủ đô.
Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, trong thời gian tới, ngoài trồng phượng tại một số tuyến phố trên, đơn vị này sẽ phối hợp với Ban duy tu các công trình hạ tầng đô thị, Sở Xây dựng, chính quyền phường, quận tiến hành khảo sát một số tuyến phố để trồng bổ sung cây xanh.
Việc làm này nằm trong chương trình trồng 1 triệu cây xanh của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Tăng cường quản lý, bổ sung, thay thế cây xanh là việc làm hết sức có ý nghĩa bảo vệ lá phổi xanh của thành phố, là hành động nhân văn, mang ý nghĩa vì cộng đồng cao.
Mặc dù vậy, việc trồng cây xanh cũng cần thực hiện theo quy hoạch, đảm bảo tính mỹ quan chung của Thủ đô. Trên thực tế, Hà Nội đã có một số loài cây được cho là biểu tượng xanh của Thủ đô như: sao đen ở phố Lò Đúc, sấu ở đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, hoa sữa ở đường Quán Thánh... Những cây này phần lớn đều có nguồn gốc bản địa.
Đất nước đổi mới, mở cửa, nhiều cây cũng được du nhập vào Việt Nam và Hà Nội; trong đó có phượng. Hiện ở Hà Nội chỉ còn khoảng 200 cây phượng.
Nói như Giáo sư Lê Huy Cường, Hội Lâm Nghiệp Việt Nam, việc trồng phượng ở Hà Nội không nhiều cũng có nhiều lý do. Phượng là cây tán thấp, lá nhỏ, diện tích bóng mát không nhiều, mùa đông rụng lá. Khi cây rụng lá, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến hệ thống tiêu thoát nước, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Hơn nữa, phượng là loại cành nhỏ dễ gẫy vào mùa mưa bão nếu không được cắt tỉa kịp thời. Cũng phải nhìn nhận, với những loại cây rụng nhiều lá khi mùa đông cũng dẫn đến tốn thời gian, công sức và cả chi phí để dọn vệ sinh môi trường. Xét ở góc độ khác, việc trồng phượng ở dải phân cách giữa cũng bộc lộ một số hạn chế. Đó là, bộ rễ của phượng lớn, trong khi dải phân cách tại một số địa điểm lại nhỏ, có thể một thời gian sau, rễ phượng "cày bung" bờ bó vỉa của dải phân cách.
Một số nhà khoa học khác lại cho rằng, trồng hoa phượng thì cũng đẹp nhưng trồng ở giữa dải phân cách thì không nên. Bởi ở vị trí đó, nên chọn những cây tán cao, tán gọn thì hợp lý hơn như: cây sưa, sao đen, bằng lăng, hoàng yến... Thế nên việc trồng phượng cũng cần phải cân nhắc.
Ngoài mỹ quan, khi trồng cây xanh ở Thủ đô cũng cần phải tính tới yếu tố chịu được điều kiện đất đai, thời tiết đặc thù tại Hà Nội; chống chịu được gió bão; hình dáng đẹp, vừa che bóng lại ít sâu bệnh, hạn chế gẫy đổ khi mưa bão.
Khác với các tỉnh thành, cây xanh ở Hà Nội được cho là vô cùng quý giá, khi mà tốc độ đô thị hóa ở thành phố đang cao, diện tích đất ở Thủ đô ngày càng thu hẹp bởi các công trình cao ốc. Chính vì thế việc trồng cây gì có ý nghĩa, thỏa mãn các yếu tố: xanh, đẹp, không sâu mục, gẫy đổ đang là một thực tế mà chính quyền Thủ đô cần cân nhắc. Nên chăng có cuộc hội thảo tầm cỡ quy tụ các nhà khoa học hàng đầu về việc quy hoạch trồng cây gì ở Thủ đô. Hay trước khi trồng cây ở mỗi tuyến phố, con đường, Hà Nội đưa ra một số cây rồi sau đó phát phiếu thăm dò để người dân lựa chọn. Tựu chung lại, việc trồng cây ở Hà Nội phải được nhìn nhận là một việc làm nghiêm túc và đầy trách nhiệm.