Hà Nội đối phó với kiến ba khoang

Sau khi gây hại cho nhiều người dân tại Huế, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, kiến ba khoang lại tiếp tục “tấn công” ra Hà Nội, khiến cho nhiều người dân Hà Nội lo ngại. Đến nay, đã có hàng trăm người dân Hà Nội bị kiến ba khoang gây hại.

 

Gây hại ở nhiều nơi


“Giữa tuần trước, bỗng nhiên cháu bé nhà tôi khóc ầm lên và kêu bị đau ở gáy. Vội vàng kiểm tra thì tôi thấy có con côn trùng gần giống như con kiến bò ở cổ áo của cháu. Sau đó, cu cậu luôn miệng kêu đau, rát và chỗ bị đốt thì phồng rộp, sưng đỏ. Khi đưa con đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị kiến ba khoang gây hại”, anh Nguyễn Văn Hải, tầng 12, khu chung cư Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, cho biết.


 

TS Phạm Thị Khoa: “Khó có thể diệt kiến ba khoang bằng hóa chất thông thường”.

 

Cùng sống ở khu nhà của anh Hải, anh Nguyễn Đức Huy và gia đình cũng rất khốn khổ với sự “viếng thăm” của những chú kiến ba khoang trong những ngày gần đây. Anh Huy bị kiến ba khoang đốt tới 2 lần. Lần đầu thấy ngứa ở bắp chân, nghĩ là bị bệnh zona nên anh mua thuốc về bôi nhưng không thấy đỡ. Chỗ đau cũ chưa kịp lên da non thì cuối tuần qua, anh Huy lại bị ngứa và sưng rộp khắp người. Lúc này, nghe thông tin về kiến ba khoang xuất hiện ở khu Đặng Xá, anh Huy mới để ý tìm và phát hiện trong nhà có rất nhiều loại kiến này.


“Bị kiến ba khoang cắn rất khó chịu, nếu không giữ gìn vệ sinh thì vết cắn rất dễ bị loét và nhiễm trùng. Do đó, chúng tôi rất lo lắng vì kiến ba khoang vẫn xuất hiện quanh nhà, cứ đến tối là chúng bò khắp tường, lắm khi bâu kín mít các bóng đèn nê-ông chiếu sáng. Để tránh cho con nhỏ (mới 3 tháng tuổi) khỏi bị kiến cắn, chúng tôi phải đưa cháu sang ở nhờ nhà bà ngoại. Buổi tối, gia đình thường phải đóng kín tất cả các cửa, hạn chế bật đèn, quét dọn nhà cửa liên tục để ngăn ngừa sự tấn công của kiến ba khoang”, anh Huy cho hay.


 

Theo TS. Phạm Thị Khoa, khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng TƯ: “Hiện nay, không chỉ khu chung cư Đặng Xá, Gia Lâm xuất hiện nhiều kiến ba khoang, tôi đang kiểm soát loài côn trùng này ở khu vực Vincom Village (tại Việt Hưng, Gia Thụy, Long Biên - PV)”.


Ngoài ra, theo sự phản ánh của nhiều người dân thì kiến ba khoang còn xuất hiện tại các khu chung cư tại phố Vọng, khu chung cư Ngọc Khánh, khu tập thể Khương Thượng (quận Đống Đa)… Nhiều người dân đã tự mua thuốc diệt côn trùng về phun nhưng kiến ba khoang vẫn “nhởn nhơ”.

 

Cần tăng cường vệ sinh môi trường


Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội: Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã có kế hoạch phối hợp cùng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ, để tuyên truyền, phòng chống kiến ba khoang cho người dân Thủ đô.


“Ngoài ra, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ các nguyên tắc phòng, tránh việc bị kiến ba khoang đốt. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá hoang mang vì thực ra kiến ba khoang là một loài côn trùng đã có từ lâu, thời gian này chúng xuất hiện nhiều có thể do đang là mùa sinh sản (thường vào tháng 3 - 5 và tháng 8 - 10 hàng năm)”, ông Nguyễn Nhật Cảm nhận định.


TS. Phạm Thị Khoa nhận định: Sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang, bệnh nhân có thể bị viêm da ở vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng… Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 - 36 giờ. Sau 1 - 3 ngày xuất hiện các mụn nước đỏ, lấm tấm trên da, sau đó là bọng nước và bọng mủ (giai đoạn này rất dễ nhầm với các tổn thương như zona, thủy đậu…). Nếu độc tố của kiến ba khoang dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp bị mù tạm thời.


Để phòng tránh bị kiến ba khoang đốt, ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo: Người dân cần tăng cường dọn dẹp vệ sinh môi trường sống. Tuyệt đối không được lấy tay đập kiến (dù đang đậu trên cơ thể) vì chất gây kích ứng từ côn trùng sẽ nhanh chóng xâm nhập và gây viêm da. Nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ khiến các vùng da khác của cơ thể cũng bị nhiễm độc tố. Do đó, nếu sơ ý tiếp xúc với kiến ba khoang thì phải rửa tay ngay bằng nước xà phòng. Trường hợp nghi bị kiến đốt hoặc bị đốt gây phồng rộp, bỏng, rát, thì nên tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị kịp thời.



Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN