Trong các ngày 15 và 16/9, nồng độ bụi trong không khí tại Hà Nội ở mức cao. Ô nhiễm bụi xuất hiện ở nhiều khu vực, đặc biệt vào đầu giờ sáng.
Theo ghi nhận của ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAM Air, hơn 40 điểm đo của Hà Nội vào lúc 8h sáng 15/9 đều có chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-170, thuộc nhóm màu đỏ (thang 4 trong 6 thang bậc đo chất lượng không khí theo cách tính của Mỹ). Không khí ở mức này được xếp vào nhóm không tốt cho sức khỏe tất cả mọi người.
Còn trong sáng 16/9, nhiều điểm đo tại Hà Nội cũng cho thấy mức báo động đỏ. Trong sáng 16/9, dù chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã cải thiện, tuy nhiên vào lúc 7 giờ sáng, chỉ số chất lượng không khí AQI tại nhiều điểm đo vẫn tiếp tục dao động trong mức có hại cho sức khoẻ. Cụ thể, điểm đo có chất lượng không khí tệ nhất là phố Hàng Trống ở mức 177. Các điểm đo như phố Hàng Quạt, Chùa Láng có chỉ số lần lượt là 176 và 167.
TS.Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là do hiện tượng nghịch nhiệt, thời tiết Hà Nội đang trong giai đoạn của đầu mùa đông, và theo quy luật thì hiện tượng nghịch nhiệt thường xảy ra ở giai đoạn đầu mùa này.
Thông thường càng lên cao thì nhiệt độ càng thấp, nhưng khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra trong những ngày mùa đông thì càng lên cao thì nhiệt độ không khí càng cao. Khi đó, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao, vì vậy các chất ô nhiễm bị giữ lại ở tầng thấp khiến không khí bị ô nhiễm nặng nề (đặc biệt là bụi PM 2.5).
“Trong những ngày vừa qua thì hiện tượng nghịch nhiệt đã xảy ra, khiến không khí ở Hà Nội rất ô nhiễm, đặc biệt là bụi", TS. Hoàng Dương Tùng nhận định.
Cũng theo ông Tùng, hiện tượng nghịch nhiệt không thể tránh được, vì qua theo dõi các năm, thường vào các tháng đầu mùa đông, có tháng xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt 1-2 lần, có tháng xảy ra 5-7 lần, có tháng xảy ra hàng chục lần.
“Như trong những ngày qua, ai cũng thấy trời lặng gió, khiến người già, trẻ nhỏ có khi thấy khó thở, nhất là người có bệnh về hô hấp", ông Hoàng Dương Tùng khuyến cáo.
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, chỉ số AQI từ 100-200 thuộc nhóm không tốt, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài. Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Úc, nếu AQI trên 150 thì thuộc nhóm rất kém, tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Tại Thái Lan, chỉ số không khí lên ngưỡng như trên sẽ phải đóng cửa trường học để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh cũng như giảm lượng phương tiện tham gia giao thông. Ngày 30/1/2019, thủ đô Băng Cốc của Thái Lan từng đóng cửa 437 trường học vì chỉ số AQI lên hơn 170.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí thủ đô gồm hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong đó, đáng lo ngại nhất là ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Theo các chuyên gia, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là vấn đề nghiêm trọng nhất, loại bụi này chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gen. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.