Hà Nội cảnh báo nguy cơ ngập úng diện rộng, sạt lở đất do bão số 3

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm nay (21/7) tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành Hà Nội (gồm các điểm dự báo: Bất Bạt, Ba Vì, Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc, Quốc Oai, Hoài Đức, Sóc Sơn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Khu vực phía Nam và trung tâm thành phố (gồm các điểm dự báo: Từ Liêm, Thượng Cát, Đông Anh, Phú Xuyên, Vân Đình, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thanh Oai, Ba Đình, Láng, Gia Lâm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hà Đông) gió mạnh dần cấp 5, cấp 6 sau tăng lên cấp 7, giật cấp 8-9.

Chú thích ảnh
Cảnh báo mưa lớn tại khu vực Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát

Với cường độ như trên, gió mạnh sẽ làm gãy cành, đổ cây, đổ cột điện, tốc mái nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Đặc biệt mưa lớn sẽ gây nguy cơ ngập úng các tuyến đường nội đô, tắc nghẽn giao thông, trơn trượt, tai nạn. Vùng ngoại thành có thể ngập úng diện rộng, thiệt hại mùa màng, sạt lở đất ở các khu vực đồi dốc.

Ngoài gió mạnh, thời tiết Hà Nội từ hôm nay (21/7) đến sáng 24/7 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa tại khu vực phía Bắc thành phố (gồm các điểm dự báo: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn): 100-200mm, có nơi cao hơn 250mm. Khu vực trung tâm, phía Tây và phía Nam thành phố (gồm các điểm dự báo: Từ Liêm, Thượng Cát, Phú Xuyên, Vân Đình, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thanh Oai, Ba Đình, Láng, Gia Lâm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Bất Bạt, Ba Vì, Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc, Quốc Oai, Hoài Đức) 150-250mm, có nơi cao hơn 300mm.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiệt hại về tài sản, người dân Thủ đô ngay lúc này cần kiểm tra, gia cố cửa sổ, mái nhà, hệ thống điện, thoát nước. Dự trữ lương thực, nước uống, đèn pin, pin dự phòng và thuốc thiết yếu. Sạc đầy các thiết bị liên lạc...

Khi xuất hiện gió mạnh, người dân nên ở trong nhà, rút phích cắm điện, ngắt cầu dao nếu xuất hiện sét hoặc tình huống mưa lớn làm ngập nhà; không nên tham gia giao thông, ra ngoài trời nếu không thực sự cần thiết. Khi đã ở ngoài trời thì nên tránh xa cửa kính, cây to, bảng hiệu, các công trình xây dựng dở dang...

Sau khi trời lặng gió, người dân cẩn trọng với dây điện đứt, cây đổ, nhà đổ, công trình hư hại. Hạn chế tiếp xúc với nước ngập để tránh nhiễm khuẩn, tai nạn điện. Đồng thời, phối hợp với chính quyền và lực lượng chức năng trong khắc phục hậu quả.

Nam Giang (TTXVN)
Ứng phó bão số 3: Lên phương án đề phòng ngập úng, giảm thiệt hại do mưa lớn
Ứng phó bão số 3: Lên phương án đề phòng ngập úng, giảm thiệt hại do mưa lớn

Ngày 21/7, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có công điện số 08/CĐ-TL-VHTT về việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ngập lụt, úng do mưa lớn ảnh hưởng của Bão số 3 (bão WIPHA) ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá – Hà Tĩnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN