Hà Nội cần siết chặt trật tự lòng đường, hè phố

Vỉa hè vốn đã nhỏ hẹp lại bị chiếm dụng để mở hàng nước, hàng ăn, kê treo hàng hóa, trông giữ xe... khiến người dân Hà Nội bức xúc, gây mất mỹ quan đô thị.

Thời gian qua, Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chương trình quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang lại bộ mặt Thủ đô, hướng đến một thành phố hiện đại có hạ tầng đô thị đồng bộ, hệ thống công trình quy mô, chất lượng cuộc sống được cải thiện. Một Hà Nội văn minh, trật tự, kỷ cương, giao thông thuận tiện… là mục tiêu đã, đang và sẽ tiếp tục được thành phố nỗ lực thực hiện trong Năm trật tự và văn minh đô thị 2016. Do vậy, nhiều bất cập đã trở thành chuyện “nói rồi, khổ lắm, nói mãi” cần được quan tâm, giải quyết triệt để hơn.

“Loạn” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường


Khi thành phố bắt đầu lên đèn cũng là lúc các tuyến phố, vỉa hè bắt đầu nhộn nhịp bởi quán xá, hàng ăn. Dọc theo các con phố Bà Triệu, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Ngang, Cầu Gỗ, Hàng Dầu…hay đường Trần Khánh Toàn, Chùa Láng,... chỗ nào cũng nhan nhản quán xá. Hàng quán hai bên đường đua nhau tận dụng đến từng m2 vỉa hè để kinh doanh. Bàn ghế xếp la liệt, xe cộ của thực khách chen chúc nhau dựng thành hàng. Nhiều đoạn đường bị tắc nghẽn giao thông bởi lượng người quá đông trong khi lòng đường bị “bớt xén” chỉ còn tí chút khiến xe cộ không thể lưu thông được. Người đi bộ không có lối đi đành chấp nhận nguy hiểm tham gia giao thông cùng các phương tiện.

Tắc đường trên phố Bạch Mai, các phương tiện lao lên cả vỉa hè dành cho người đi bộ. Ảnh: LDT-TTXVN

Vỉa hè vốn đã nhỏ hẹp lại bị chiếm dụng để mở hàng nước, hàng ăn, kê treo hàng hóa, trông giữ xe đạp, xe máy,... khiến người dân bức xúc, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa - du lịch trên địa bàn Thủ đô. Có nhiều quy định cấm được thành phố Hà Nội ban hành và áp dụng nhưng chưa thu được hiệu quả cao. Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ xe trái quy định từ lâu, nay vẫn là vấn nạn tại Thủ đô Hà Nội. Vỉa hè của một loạt các tuyến phố Lý Thái Tổ, Nguyễn Hữu Huân, Tạ Hiện, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Đinh Lễ, Gia Ngư, Láng, Đê La Thành… đang bị trưng dụng không chừa một tấc. "Hàng ăn trên vỉa hè vừa lộn xộn vừa mất vệ sinh an toàn thực phẩm, việc này cần phải cấm triệt để từ lâu. Tôi hy vọng chính quyền sẽ quyết liệt hơn nữa để giữ gìn mỹ quan cho thành phố, trả vỉa hè cho người đi bộ", chị Hoàng Thị Lan (phố Huế) nhận xét.

Từ nhiều năm nay, khu vực chợ Nhà Xanh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn là một trong những điểm “nóng” về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán. Là nơi tập trung đông sinh viên với nhu cầu mua sắm cao, lượng khách đến chợ rất đông, đặc biệt là vào giờ tan tầm. Các quán hàng ăn, các hàng bán quần áo, điện thoại chiếm phần lớn lòng đường đi vào chợ khiến đường đã nhỏ hẹp nay lại càng chật chội. Anh Nguyễn Trung Kiên (đường Phan Văn Trường, Cầu Giấy) cho biết: “Nhà tôi ở ngay gần chợ Nhà Xanh. Đường Phan Văn Trường vốn đã nhỏ hẹp nay lại bị các cửa hàng quần áo, hàng quán ăn uống ven đường xâm lấn khiến có hôm tắc đường tôi phải mất đến gần 30 phút để đi qua đoạn đường hơn 100m về nhà. Người dân quanh đây thực sự bức xúc vì vấn đề này không được giải quyết dứt điểm.”

Không chỉ có thế, mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định quy định rõ mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô trên địa bàn Hà Nội nhưng bất chấp quy định giá gửi xe vẫn liên tục tăng. Không có giấy phép, sử dụng vé tự in hoặc viết tay, các điểm trông giữ xe tự phát và trái phép vẫn đàng hoàng căng dây lấn chiếm khu vỉa hè để trông giữ xe. Nhiều điểm giữ xe trái quy định tại khu vực chợ Nhà Xanh có giá là 10 nghìn đồng/xe. Đường Đinh Lễ từ lâu đã có tình trạng một số người tận dụng vỉa hè để trông giữ xe trái quy định. Giá vé ở đây là 10 nghìn đồng/xe. Mỗi ngày rất đông lượt khách gửi xe tại phố Đinh Lễ với mục đích dạo chơi, thăm bờ hồ Hoàn Kiếm và khu vực xung quanh hồ. Được biết, đây là những điểm trông giữ xe trái quy định, hình thành tự phát nhằm kiếm lợi cá nhân.

Vẫn biết, do nhu cầu thực tiễn từ việc đi lại, mua bán của người dân dẫn tới các bãi gửi xe mọc lên là điều tất yếu nhưng cần thiết phải có quy hoạch cụ thể, có sự quản lý của các cơ quan chức năng sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật.

Người đi bộ không đúng quy định trên phố Cầu Gỗ do một phần người dân đã để xe máy lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Xử lý bất cập bắt nguồn từ ý thức

Năm 2016, Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị và đảm bảo an toàn giao thông” với nhiều nội dung như: Tiếp tục hạ ngầm, sắp xếp, thanh thải các đường dây cáp điện, thông tin liên lạc trên các tuyến phố; tăng cường kiểm tra, rà soát, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị; sắp xếp xử lý các cửa hàng kinh doanh buôn bán, hàng quán lấn chiếm vỉa hè; tháo dỡ mái che, mái vẩy, quảng cáo, rao vặt... đặc biệt là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các bến xe, nơi công cộng, tuyến đường, địa bàn trọng điểm, giáp ranh với các quận, huyện khác, các khu vực bệnh viện, trường học, bến xe, nơi công cộng; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, lấn chiếm đất công...

Các quận thuộc địa bàn trung tâm thành phố Hà Nội liên tiếp ra quân hưởng ứng phong trào. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo: “Phải rà soát các điểm trông giữ xe, không để các cá nhân lợi dụng trông giữ xe trái phép, thu tiền vô tội vạ của người dân”.

Trong dịp Tết Bính Thân 2016, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, chống ùn tắc giao thông phục vụ nhân dân đi lại. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan xử phạt 23 trường hợp điểm trông giữ xe vi phạm, tổng số tiền phạt lên tới hơn 100 triệu đồng… Trong thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội Thanh tra Giao thông vận tải trực thuộc chủ động tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ phương tiện không chấp hành đúng các quy định của pháp luật, kiên quyết giải tỏa các điểm trông giữ không phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự an toàn giao thông – trật tự đô thị trên địa bàn thành phố.

Thực trạng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm luôn là vấn đề được nhiều người dân trên địa bàn Thủ đô quan tâm. Nhưng vì sao với những con đường, những con phố thường xuyên bị lấn chiếm mặc dù đã được báo chí và người dân phản ánh nhiều, nhưng đến thời điểm này vẫn còn tồn tại. Các cơ quan chính quyền đã có nhiều biện pháp mạnh tay để nỗ lực xử lý thực trạng này, tuy nhiên, để triệt để và hiệu quả cần phải xử lý phần gốc, đó là tuyên truyền và giáo dục về ý thức của người dân. Để những mục tiêu đề ra trở thành hiện thực, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành; đòi hỏi mỗi tập thể, cá nhân cùng chung sức biến những quyết tâm thành hành động thiết thực.

Nguyễn Thắng - Hà An (TTXVN)
Xử phạt 423 trường hợp người đi bộ vi phạm luật
Xử phạt 423 trường hợp người đi bộ vi phạm luật

Sau hai tuần tập trung xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ (từ ngày 1 đến ngày 16/2), Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC 67) Công an thành phố Hà Nội đã xử lý 423 trường hợp người đi bộ vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN