Trên sông Lô tại thành phố Hà Giang và sông Gâm tại huyện Bắc Mê có lũ lên nhanh. Lũ trên sông Lô tại Trạm thủy văn thành phố Hà Giang đạt đỉnh vào lúc 5 giờ ở mức 101,64 m trên báo động 2 là 0,64 m; trên sông Gâm tại Trạm thủy văn huyện Bắc Mê lũ đạt đỉnh vào 5 giờ ở mức 123,36m trên báo động 2 là 0,36 m.
Mưa lớn đã ảnh hưởng đến việc thi công xây dựng công trình kè dọc bờ sông Lô ở thành phố Hà Giang. |
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Hà Giang, tính đến tối 25/8, toàn tỉnh có 1 người chết, 1 người bị thương. Nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi là chị Giàng Thị Ná (thường trú tại xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên) vẫn chưa tìm thấy thi thể. Tại huyện Xín Mần, cháu Thào Seo Nhà (13 tuổi, ở thôn Cốc Cam, xã Chế Là) bị thương nặng do sét đánh hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần.
Mưa lớn đã khiến gần 200 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó nhiều ngôi nhà của đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Mê và ở huyện Đồng Văn bị sạt lở phải di dời. Mưa to lũ lớn cũng đã gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp, hàng nghìn ha lúa, ngô, nghệ ở các huyện Quản Bạ, Vị Xuyên, Yên Minh, Bắc Mê và thành phố Hà Giang bị ngập, vùi lấp, gãy đổ. Mưa lũ cũng cuốn trôi 3 con trâu ở xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên) và sét đánh chết 2 con trâu ở xã Bạch Ngọc (huyện Vị Xuyên).
Hoàn lưu cơn bão số 6 cũng làm tốc mái nhiều điểm trường như điểm trường Khâu Rom, xã Quảng Nguyên (huyện Xín Mần); điểm trường Đoàn kết thuộc xã Bản Ngò (huyện Xín Mần); điểm trường Bản Trang, xã Hữu Vinh (huyện Yên Minh), điểm trường thuộc xã Ma Lé (huyện Đồng Văn). Mưa lớn trong nhiều ngày qua cũng đã gây ngập úng cục bộ, sạt lở taluy dương nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn các huyện của tỉnh Hà Giang…Tổng giá trị thiệt hại do hoàn lưu bão số 6 gây ra ước tính gần 8 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến: UBND tỉnh đã cử nhiều đoàn công tác về các địa phương kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ. UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố khẩn trương huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” đến thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thương và hỗ trợ theo quy định.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện đã kịp thời kiểm tra tình hình thiệt hại thực tế ở cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng tại chỗ như dân quân, công an, các ngành đoàn thể giúp các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khắc phục về nhà ở, khắc phục các công trình công cộng để đảm bảo hoạt động và không ảnh hưởng đến công tác dạy và học.
Hiện nay, UBND các huyện, thành phố tiếp tục nắm bắt chính xác tình hình thiệt hại đối với sản xuất trên địa bàn, trên cơ sở đó chủ động triển khai giải pháp khắc phục đảm bảo sản xuất cho người dân. Đối với các tuyến đường giao thông bị sạt lở, ngành giao thông vận tải Hà Giang đã huy động máy móc và lực lượng để xử lý các điểm ách tắc, cắm biển báo cảnh báo nguy hiểm tại các nơi có nguy cơ sạt lở cao.