Gỡ vướng quy định về hợp đồng

Những quy định về hợp đồng tại dự thảo Bộ luật dân sự (BLDS) sửa đổi là một trong mười nội dung trọng tâm để lấy ý kiến nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng, về nội dung này, dự thảo có nhiều quan điểm tiến bộ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhưng cũng cần xem xét cho phù hợp với luật chuyên ngành.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét lại quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với nhà ở trong dự thảo BLDS sửa đổi. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi

Tháng 11/2007, bà Trương Thị H. (Đồng Nai) ký hợp đồng mua một ô tô tải của Công ty T., với giá gần 120 triệu đồng. Theo thỏa thuận, bà H phải đặt cọc số tiền 20 triệu đồng và công ty sẽ giao xe vào cuối tháng 4/2008. Đến hạn, công ty mời bà H đến nhận xe nhưng đòi tăng thêm 30 triệu đồng so với giá ban đầu. Bà H. không chấp nhận và đã khởi kiện công ty ra tòa để đòi công ty giao xe theo đúng giá ghi trong hợp đồng. Theo người đại diện công ty, mặc dù có cam kết nhưng đến thời điểm giao xe, Nhà nước áp dụng quản lý khí thải xe theo quy chuẩn mới nên công ty buộc phải điều chỉnh giá. Bà H. thì cho rằng, những lý do này chỉ là vướng mắc của công ty, không phải là trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan để công ty được quyền giao xe chậm và tăng giá.

Vấn đề thay đổi hoàn cảnh làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên khó khăn hơn và tăng chi phí thực hiện hợp đồng không phải là tình huống hiếm gặp trong thực tiễn pháp lý Việt Nam, nhất là trong các hợp đồng về xây dựng, cung ứng các hàng hóa hoặc dịch vụ dài hạn, hợp đồng phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh ở những ngành nghề mới,… Tuy nhiên, BLDS hiện hành không quy định tòa án có quyền điều chỉnh hợp đồng của các bên khi hoàn cảnh thay đổi, làm cho các tranh chấp loại này không có căn cứ pháp lý để giải quyết thỏa đáng. Chính vì vậy, nội dung này đã được đưa vào trong dự thảo BLDS (sửa đổi), quy định hợp đồng có thể bị thay đổi hoặc hủy bỏ khi hoàn cảnh thay đổi.

Cụ thể, Điều 443 dự thảo Bộ luật quy định trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận trong một khoảng thời gian hợp lý thì Tòa án có thể: Chấm dứt hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng để phân chia cho các bên các thiệt hại và lợi ích phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh một cách công bằng và bình đẳng…

Bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng khoa Luật, Đại học Ngoại thương cho rằng, đây là quan điểm đúng đắn. “Thực tế có rất nhiều trường hợp muốn thay đổi hợp đồng nhưng lại không thể quy về bất khả kháng, gây thiệt hại lợi ích cho các bên. Vì vậy, việc cho phép một bên gặp khó khăn có quyền yêu cầu thiết lập lại, sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân”, bà Hằng cho biết. Bà Hằng cũng lưu ý, BLDS cần bổ sung nguyên tắc thiện chí trong việc thực hiện hợp đồng để nếu một bên giao dịch không có thiện chí tức là đã vi phạm nguyên tắc này của BLDS.

Đồng tình với quan điểm này, GS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, cho rằng: “Nên có quy định này nhưng phải dựa trên nguyên lý cơ bản là tôn trọng ý chí của các bên khi tham gia giao kết”. GS Lê Hồng Hạnh cũng nhấn mạnh, phải có những quy định cụ thể hoàn cảnh như thế nào thì được thay đổi.

Nhiều ý kiến cũng tán thành việc cho phép Tòa án điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi không vi phạm nguyên tắc tự do ý chí, tự do định đoạt của các chủ thể quan hệ hợp đồng mà là sự cụ thể hóa nguyên tắc về tính có giới hạn của việc thực hiện quyền dân sự được quy định tại Điều 16 dự thảo Bộ luật.

Hợp đồng có hiệu lực ngay sau khi ký kết

Cũng liên quan đến vấn đề hợp đồng, nhiều ý kiến băn khoăn về thời điểm có hiệu lực. Theo các chuyên gia, xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây chính là thời điểm các bên chính thức ràng buộc nhau về quyền và nghĩa vụ như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Hiện nay, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng lại khác nhau ở các văn bản pháp luật khác nhau.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú (Hà Nội) nhận định, không nên quy định hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm đăng ký mà nên có ngay sau khi ký kết. “Hiệu lực của các loại hợp đồng tặng/cho tài sản cần được công nhận ngay sau khi ký kết, nếu không sẽ rất phức tạp vì khi các bên giao kết hợp đồng thì đã thể hiện ý chí của họ rồi. Chẳng hạn, tôi cho anh cái xe máy kèm theo cả giấy tờ sở hữu thì cho xong tôi không thể đòi lại chỉ vì lý do anh chưa đăng ký. Đăng ký chỉ mang tính quản lý nhà nước”, ông Tú cho biết.

Về thời điểm xác lập quyền sở hữu, dự thảo quy định, trong trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động, bà Hải Anh, Ban Pháp chế, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD) cho rằng: Khi bàn giao nhà, các bên đã thừa nhận với nhau là người nhận nhà đã có quyền sở hữu và các quy định hiện nay cũng cho phép người nhận nhà được thực hiện các giao dịch mua bán sau khi nhận nhà. Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được thông qua cũng quy định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với nhà là khi các bên đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán hoặc đối với các dự án do chủ đầu tư đầu tư, thì thời điểm xác lập quyền sở hữu là khi chủ đầu tư bàn giao nhà cho người mua. “Vì thế, cần xem xét lại quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với nhà cho phù hợp với Luật Nhà ở” bà Hải Anh đề xuất.   


Thu Phương

Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Nhằm chủ động cung cấp thông tin góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc Tọa đàm “Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN