Duy trì gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo
Với mục tiêu duy trì chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã linh hoạt, sáng tạo, thích ứng trong tuyển sinh, đào tạo duy trì chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Cụ thể là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và ban hành các văn bản hướng dẫn hệ thống giáo dục nghề nghiệp linh hoạt, sáng tạo, thích ứng, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị; cho phép các trường điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tổ chức thi kiểm tra đánh giá bằng trực tuyến đối với những môn học, những nội dung phù hợp. Duy trì gắn kết với doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng chuẩn mực quốc tế; đào tạo nhân lực cho các ngành nghề mới, kỹ năng mới, ngành nghề 4.0.
Với vai trò là cơ sở đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động triển khai các biện pháp duy trì hoạt động. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được các nhà trường áp dụng hiệu quả vào các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, và trực tuyến thông qua các nền tảng công nghệ như: Zoom, Google Meet, Facebook, Zalo, Tik Tok,...
Hoạt động dạy và học được duy trì thông qua việc chuyển đổi thích ứng với mô hình trường học an toàn, trường học “3 tại chỗ” được một số trường áp dụng hiệu quả, đảm bảo để người học có thể hoàn thành chương trình học tập, tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động.
Ngoài linh hoạt trong đào tạo và tuyển sinh, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp còn chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy tiến độ ban hành Thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng. Phối hợp với ILO xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Chương IV Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia theo hướng hội nhập và tăng cường tính khả thi, hiệu quả.
Hoạt động ký kết hợp tác với doanh nghiệp diễn ra sôi nổi. Trong năm 2021, Tổng cục đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn lớn...
Ưu tiên chuyển đổi số
Bên cạnh những việc đã làm được, công tác giáo dục nghề nghiệp vẫn còn những khó khăn nhất định. Tính đến 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, mới đạt 85,14% kế hoạch. Nguyên nhân tỷ lệ tuyển sinh không đạt chỉ tiêu do việc tổ chức đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến, việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khó thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không thực hiện theo hình thức trực tiếp, việc di chuyển của người học đến các địa phương gặp khó khăn.
Để khắc phục khó khăn trên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp xác định, năm 2022 sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định 2222/QĐ-TTg nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong đó, Tổng cục chú trọng triển khai ở các trường chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm trên cả 4 nội dung: phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đổi mới và phát triển chương trình đào tạo; hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học; tăng cường quản lý số và quản trị số, kết nối thông tin hệ thống theo vùng, theo ngành, theo trình độ...
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung để nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tập trung chuyển đổi số là việc cấp thiết. Nhất là khi giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài chuyển đổi số, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần nắm bắt các cơ hội về cơ chế chính sách, thị trường lao động. “Chúng ta đang ở thời kỳ cuối của dân số vàng. Nếu không biết chớp thời cơ thì Việt Nam sẽ mất cơ hội trong nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, trong khi đây là thời cơ rất lớn đối với giáo dục nghề nghiệp. Nắm bắt được thời cơ vè dân số vàng sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội, sẽ đổi mới được giáo dục nghề nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH lưu ý, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đầu tư cho thể chế, hoàn thiện toàn bộ nội dung thể chế: quy hoạch hệ thống, các kế hoạch chuyển đổi số, đầu tư về con người-cơ sở vật chất. Đi kèm với đó là chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng các đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thị trường.
Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức đào tạo, tập trung vào đào tạo mới và đào tạo lại, trong đó lấy đào tạo lại làm nền tảng phát triển. Để làm được điều này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng phải lấy doanh nghiệp làm chính nhà trường đào tạo. Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo theo thị trường để cung cầu gặp nhau. Muốn vậy, Tổng cục phải chú trọng đến khâu đặt hàng nhưng quá trình đào tạo cũng cần chú trọng theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm khung đầu ra.