Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8 chiều 31/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông.
Trong đó 8 quy trình vận hành liên hồ chứa mùa lũ (sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh, sông Đồng Nai, sông Hồng), 3 quy trình vận hành liên hồ chứa cho cả mùa lũ và mùa cạn (sông Ba, sông Sê San, sông Srêpôk) với nhiều điểm mới so với trước kia để giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại liên quan đến tài nguyên nước.
Với quy trình vận hành trong mùa lũ, nguyên tắc chung là không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở dưới hạ du hồ chứa. Nếu trong tình huống bất thường ở dưới hạ du như mưa lớn thì Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc vận hành hồ chứa.
Trong trường hợp dự báo có khả năng xuất hiện các tình huống gây mưa, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh sẽ vận hành hồ chứa. Chủ hồ chỉ được vận hành trong điều kiện thời tiết bình thường.
Điểm mới là yêu cầu các hồ phải dành dung tích cố định để đón lũ trong suốt mùa mưa lũ. Khi dự báo có khả năng xuất hiện mưa, lũ thì hạ thêm mực nước hồ để đón lũ nhằm tạo thêm dung tích cắt, giảm lũ cho hạ du khi có lũ về.
Vào mùa khô, sau khi các hồ tham gia cắt lũ cho hạ du, chủ hồ sẽ được chủ động tích nước trong thời kỳ cuối mùa lũ nhằm nâng cao khả năng tích đầy hồ để cấp nước trong mùa cạn.
Với quy trình mùa cạn, sẽ ưu tiên đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước của hạ du xong mới đến hiệu quả phát điện.
Các chủ hồ phải lắp đặt camera giám sát việc xả nước và truyền tín hiệu hình ảnh về UBND và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Quản lý Tài nguyên nước và Cục Điều tiết điện lực.