Mặc dù đã giảm nhưng hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn tồn tại trên 30 điểm đen ùn tắc giao thông. Tình hình tai nạn giao thông giảm dần trong những năm gần đây nhưng số vụ tai nạn giao thông xảy ra vẫn còn cao. Năm nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lên phương án để giải quyết dứt điểm các điểm ùn tắc giao thông; trong đó, có 10 điểm ùn tắc nghiêm trọng.
Nguyên nhân ùn tắc và kết quả xử lý
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, có nhiều nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên địa bàn; trong đó, nhiều điểm có mặt cắt ngang đường hẹp, lưu lượng tham gia giao thông lớn như khu vực phía Bắc cầu Chương Dương, nút giao cầu 361 - đường Nguyễn Khang, cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn, điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu. Nhiều điểm khác ùn tắc do phải rào chắn thi công công trình giao thông trọng điểm như tại khu vực phố Đào Tấn - Nguyễn Văn Ngọc, nút giao Minh Khai - cầu Mai Động, nút giao Kim Mã - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh…
Thời gian qua, việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội là một vấn đề được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội hết sức quan tâm và đã ban hành các chương trình, kế hoạch để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng; tuyên truyền; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý điều hành giao thông.
Ngày 23/9, tại Kỳ hợp thứ 2, HĐND thành phố Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua chủ trương đầu tư một số công trình dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 – 2025 làm cơ sở cho các sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Song song với việc phòng chống dịch COVID – 19, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý các điểm đen tai nạn và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục được Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
Tranh thủ thời gian giãn cách xã hội vừa qua lưu lượng phương tiện giao thông trên đường giảm lớn, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu, báo cáo UBND thành phố cho phép thực hiện một số các công trình trọng điểm (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương…) và một số các dự án cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông (hầm Kim Liên, mở rộng mặt đường Liễu Giai – Văn Cao, Tôn Thất Thuyết…) được phép thi công trong thời gian giãn cách và đảm bảo tuyệt đối công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên công trường.
Đến thời điểm hiện tại, một số công trình như hầm Kim Liên, mở rộng mặt đường Liễu Giai – Văn Cao, Tôn Thất Thuyết đã hoàn thành để tăng diện tích đất dành cho giao thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Phó trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Đức Toàn cho biết, đến hết quý III/2021 đã xử lý được 6/37 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Những tháng cuối năm 2021, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã và đang triển khai thực hiện; trong đó, tập trung vào xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vận tải hành khách công cộng kết hợp công tác phòng chống dịch COVID - 19 phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2022.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố theo dõi, đánh giá và rà soát các điểm thường xuyên ùn tắc, điểm đen tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố để có phương án xử lý nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
6 giải pháp đồng bộ
Để giải bài toán giao thông cho Hà Nội, Giám đốc Sở Giáo thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết cần triển khai đồng bộ 6 giải pháp có tác dụng tương hỗ với nhau.
Theo ông Vũ Văn Viện, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/03/2016 là điều kiện tiên quyết để phát triển giao thông, giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô. Để giải bài toán giao thông cho Hà Nội, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo đó, muốn giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông phải có hệ thống kết nối giao thông đồng bộ triển khai theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để làm được điều này cần nguồn lực đầu tư lớn nên phải giải quyết dần từng bước.
Trong khi chưa có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thành phố Hà Nội đã lựa chọn giải pháp tổ chức giao thông hợp lý để tối đa hoá mạng lưới giao thông hiện có; trong đó, quy định hoạt động cho từng tuyến đường, cung đường, phạm vi hoạt động, giờ hoạt động hợp lý cho các loại phương tiện nhằm giảm số lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường cùng lúc.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng bằng nhiều loại hình: xe buýt, đường sắt trên cao, đi liền với giảm phương tiện giao thông cá nhân.
“Nếu không giảm phương tiện giao thông cá nhân thì vận tải hành khách công cộng không phát triển được. Hiện, năng lực vận chuyển của xe buýt trong phạm vi vành đai 3, sản lượng hành khách mới đạt 12% trong khi đó năng lực thực tế có thể đáp được 50%. Do ùn tắc giao thông, thời gian lưu thông trên đường của xe buýt còn chậm nên người dân vẫn lựa chọn phương tiện cá nhân nhiều hơn, dẫn đến xe buýt chưa phát huy được hiệu quả.
Chính vì vậy, cùng với phát triển vận tải khách công cộng phải giảm phương tiện cá nhân, khi xe cá nhân giảm thì xe buýt sẽ đi nhanh hơn, vận tải khách công cộng sẽ có nhiều khách hơn. Do đó, phải triển khai song song phát triển vận tải khách công cộng và giảm phương tiện cá nhân, chứ không có chuyện vận tải khách công cộng tốt lên thì người dân sẽ chuyển sang đi vận tải công cộng”, ông Vũ Văn Viện phân tích.
Giải pháp chống ùn tắc giao thông tiếp theo là phải ứng dụng hệ thống giao thông thông minh, xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Hiện thành phố Hà Nội đã có chương trình xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh để tối ưu hoá cung cấp thông tin cho người dân lựa chọn tuyến đường hợp lý.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường giải pháp tuyên truyền vận động, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành giao thông, xây dựng văn hoá giao thông cho người dân. Cùng với tuyên truyền là giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, trật tự an toàn giao thông.
Mới đây, tại phiên họp tập thể UBND thành phố đã xem xét một số nội dung trình kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố; trong đó, xem xét về dự thảo nghị quyết thông qua chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể được đặt ra là phấn đấu tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị đến năm 2025: từ 12-15%; trong đó, tỷ lệ giao thông tĩnh đạt 1-2%; đến năm 2030 đặt tỷ lệ 15-20%; trong đó, tỷ lệ giao thông tĩnh đạt 2-3%.
Tỷ lệ đảm nhiệm vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30%-35% và đến năm 2030 đạt 45%-50% nhu cầu đi của nhân dân. Thành phố phấn đấu giảm tai nạn giao thông hàng năm từ 5-10% trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Hàng năm, xử lý từ 7-10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông; không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tại nạn giao thông...